Hiện trường vụ tai nạn.
Người dân được phép đi sát lề đường trên QL trong trường hợp không có vỉa hè!
Vụ tai nạn xe tải đâm vào đoàn cán bộ xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương) đã khiến 8 người chết, 8 người bị thương và nguyên nhân ban đầu được nhận định do tài xế xe tải ngủ gật và sử dụng ma túy đá trước đó 1 tuần.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, do thiết kế của cầu vượt dẫn người đi bộ xuống thẳng quốc lộ 5 nên hậu quả tai nạn thêm thảm khốc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc ban quản lý bảo trì quốc lộ 5 (Vidifi) cho rằng, các vấn đề cụ thể liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn cũng như bất cập (nếu có) đang được các cơ quan chức năng làm rõ, kết luận.
Với trách nhiệm của mình, theo ông Huỳnh, phía Vidifi đang tiến hành rà soát và sẽ báo cáo, đề xuất hướng xử lý Tổng Cục đường bộ về những vấn đề còn tồn tại.
Cũng trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông cho biết, việc cầu vượt mà để lối đi bộ xuống thẳng làn thô sơ như ở QL5 là không hợp lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, do vấn đề diện tích đất, khoảng không gian ở hai bên đường không còn và khu vực xảy ra tai nạn ở Hải Dương thì đường bộ lại nằm ngay sát đường sắt.
"Tôi khẳng định, không phải thiết kế cầu này sai và nếu ai nói là sai thì xin mời vẽ thử ra với diện tích đường, hết đất lưu không như vậy, đường cho người đi bộ sẽ nằm ở chỗ nào?
Do đường sắt nằm ngay bên cạnh, không gian hẹp, đất không còn nên đơn vị thiết kế thi công cho rằng, người đi bộ có thể đi nép vào sát mép đường để lên cầu và thực tế, người dân vẫn được phép đi sát lề đường trên quốc lộ trong trường hợp không có vỉa hè.
Tuy nhiên, có vấn đề tắc trách, chưa làm hết trách nhiệm và không nhìn rộng việc cần có đường cho người đi bộ nên mới xảy ra tai nạn đáng tiếc như vậy", TS Thủy nói.
Vị TS này cho biết thêm, sau khi vụ tai nạn ở Hải Dương xảy ra, ông có tìm kiếm các tài liệu, quy chuẩn liên quan về việc xây dựng cầu đi bộ cho người đi bộ qua đường Quốc lộ thì không thấy quy định rõ ràng về không gian cho người đi bộ lên cầu.
TS Nguyễn Xuân Thủy.
"Thực tế, chỉ có các cầu đi bộ ở thành phố thì lối lên xuống mới được đặt ở vỉa hè còn hầu hết các cầu đi bộ qua quốc lộ lớn như QL5 đều có lối lên xuống đặt ở lòng đường và người đi bộ không có không gian riêng.
Rõ ràng đây là khuyết điểm chung mà phải đến sau vụ tai nạn này chúng ta mới nhận ra.
Do đó, cơ quan có thẩm quyền như Bộ Xây dựng, GTVT cần có quy chuẩn cụ thể đối với cầu đi bộ, trong đó dứt khoát phải có không gian riêng cho người đi bộ hay xây dựng các đường gom...", TS Thủy nêu rõ.
Về một số ý kiến cho rằng, trước khi làm được đường gom riêng cho người đi bộ thì những đoạn gần cầu vượt mà có lối lên xuống dẫn thẳng xuống đường nên lập các hàng rào sắt, ngăn làn đường để đảm bảo an toàn, TS Thủy cho hay, làm như vậy dễ gây mất an toàn.
"Làm như vậy sẽ không ổn bởi chúng ta không biết khoảng đường cho người đi bộ đó sẽ dài bao nhiêu, từ đâu đến đâu, chưa kể, việc này, không cẩn thận sẽ gây mất an toàn giao thông hơn, thu hẹp đường lại...
Do đó, chủ yếu vẫn cần vạch sơn rõ ràng và sát chỗ đi lên xuống cầu có thể đặt thêm các biển báo...", TS Thủy nêu ý kiến.
Về lâu dài theo TS Thủy, với khu vực xảy ra vụ tai nạn, việc làm đường gom, hoặc mở rộng thêm một đoạn đường về phía đường sắt rồi làm hàng rào để tạo lối đi riêng cho người đi bộ sẽ tốt hơn.
Nguyên nhân trực tiếp do lái xe tải không làm chủ được phương tiện
Nhận định về nguyên vụ tai nạn, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc mở lối cho người đi bộ từ cầu vượt xuống đường 5 chỉ là nguyên nhân gián tiếp.
Nguyên nhân trực tiếp rõ ràng là do lái xe không làm chủ được phương tiện, dương tính với ma túy, đã đâm thẳng vào đoàn cán bộ. Bởi nếu tỉnh táo thì vẫn tránh được đoàn người đi bộ ven quốc lộ.
Hiện trường vụ tai nạn ở Hải Dương.
"Vụ tai nạn xảy ra không thể đổ cho “điểm đen” vì ở đây có cầu vượt, người dân qua lại nhiều nên khi lái xe dương tính với ma túy và không làm chủ được phương tiện, đâm vào đám đông, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, qua vụ việc, người dân mong nhất ở điểm này là cần làm thế nào để sớm có đường gom hay khoảng không gian cho người đi bộ", TS Thủy nói.
Ông đề nghị, Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông QG cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong vấn đề quản lý các DN vận tải, yêu cầu Giám đốc DN phải chịu trách nhiệm trước những vụ tai nạn lớn.
Trong trường hợp, nếu lái xe uống rượu bia, sử dụng ma túy thì chủ DN vận tải sử dụng lái xe đó cũng phải chịu trách nhiệm hình sự và cần dứt khoát xử lý những DN chỉ chạy theo lợi nhuận, chấp nhận sử dụng lái xe không đảm bảo sức khỏe.
Chuyên gia giao thông Lê Bình cũng đánh giá lối đi bộ từ cầu vượt xuống thẳng quốc lộ 5 không có rào ngăn cách với làn ôtô, xe máy là rất nguy hiểm cho người đi bộ.
Theo ông Bình, biện pháp tối ưu là xây dựng đường gom và làm lối đi xuống vượt qua đường sắt thì sẽ an toàn cho người đi bộ.
Bên cạnh đó, do hạ tầng còn hạn chế, người dân cần có ý thức đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình, không nên vì tiện lợi mà đi lại tại khu vực thiếu an toàn.