Xin chào chuyên mục,
Mình năm nay 30 tuổi, chưa lập gia đình. Hiện tại nhà có 4 người và tài chính dành cho việc mua xe trong khoảng từ 750 - 800 triệu đồng. Như vậy, với mức tiền này thì mình nên mua xe gầm cao đời cũ (chừng năm 2018) hay sedan mới (đời 2020) trở lên?
Mong nhận được tư vấn của chuyên mục. Mình cảm ơn!
Thục Hạnh
Reviewer Kenz Nguyễn tư vấn:
Mọi người thường có nhiều băn khoăn khi chọn xe, nhưng nếu biết được đặc điểm của các mẫu xe, việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn. (Ảnh minh hoạ: thanhnienviet)
Thực ra để trả lời cho câu hỏi này hết sức đơn giản. Bạn có thể thấy là sedan sẽ luôn đại diện cho sự cổ điển, hình ảnh sang trọng, mức độ cá nhân trong xe hơi còn những mẫu xe gầm cao đều hướng tới yếu tố thực dụng và khó có thể nào thể hiện được hình ảnh cá nhân sang trọng được (ngoại trừ những mẫu siêu sang).
Và như thế thì 1 gia đình 4 người và bạn - 1 người độc thân ở độ tuổi 30 thì trong trường hợp bạn muốn sử dụng chiếc xe lâu dài, có lẽ bạn sẽ cần suy nghĩ tới tính thực dụng của nó. Như vậy, chắc chắn thứ bạn cần sẽ là 1 chiếc crossover rồi. Với tầm giá 800 triệu đấy thì trong đầu tôi sẽ nảy ra 1 số hình ảnh như: Tucson đặc biệt 2019, rất ổn áp. Còn nếu bạn thích những mẫu xe sang chảnh bóng bẩy 1 chút thì đến với chiếc xe quốc dân CX-5 nhé!
Thông tin thêm về những mẫu xe được gợi ý mà bạn có thể cần để tham khảo
1. Hyundai Tucson 2019
Hyundai Tucson 2019 là mẫu xe được đánh giá cao nhờ có thiết kế tốt, nội thất rộng rãi cùng hệ thống an toàn đạt chuẩn 5 sao. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm nhất định nhưng đây vẫn là một trong những mẫu xe SUV 5 chỗ đáng mua nhất.
Hyundai Tucson 2019 được đánh giá là một trong những mẫu xe hấp dẫn nhất trong phân khúc Crossover hay SUV cỡ nhỏ. (Ảnh minh hoạ)
* Ưu, nhược điểm của Hyundai Tucson 2019:
- Ưu điểm:
+ Khoang cabin, nội thất rộng rãi.
+ Ngoại thất sắc nét với cụm lưới tản nhiệt, đèn pha, đèn hậu khi được thiết kế lại giúp cải thiện ngoại hình đáng kể so với các phiên bản tiền nhiệm.
+ Chiếc SUV cỡ nhỏ được đánh giá cao ở khả năng xử lý tình huống. Vô lăng cầm thoải mái và xử lý chính xác. Phanh chắc chắn và không quá cứng.
+ Hệ thống giải trí tốt, tiết kiệm nhiên liệu.
- Nhược điểm:
+ Tầm nhìn sau kém. Tuy nhiên, bù lại bởi nó có camera sau và các cảm biến khác nhau, cùng hệ thống cảnh báo an toàn trong xe.
+ Động cơ khá chậm chạp.
2. Mazda CX-5
Là một mẫu xe chủ lực của hãng xe Nhật tại dải đất hình chữ S, Mazda CX-5 nằm trong phân khúc crossover hạng C cùng với nhiều đối thủ sừng sỏ như Honda CR-V, Toyota Corolla Cross, Hyundai Tucson hay Peugeot 3008.
Ở phân khúc xe gầm cao cỡ C, Mazda CX-5 luôn là một cái tên nổi bật. (Ảnh minh hoạ)
* Ưu, nhược điểm của Mazda CX-5:
- Ưu điểm:
+ Thiết kế hiện đại, bắt mắt.
+ Mazda CX-5 được trang bị rất nhiều những tiện ích giải trí nổi bật và tính năng an toàn.
+ Động cơ mạnh mẽ hơn so với mặt bằng chung phân khúc.
- Nhược điểm:
Mặc dù sở hữu thiết kế mượt mà, không gian nội thất thoải mái và nhiều tiện nghi cùng nhiều phiên bản cho khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, xe vẫn tồn tại một vài yếu điểm khiến người sử dụng chưa thực sự hài lòng như sau:
+ Ngốn xăng.
+ Dung tích khoang hành lý bé. Kể cả khi gập hàng ghế sau lại, khoang hành lý cũng chỉ có dung tích khoảng 1.688L, khá nhỏ khi đa số các mẫu xe khác đều có khoang hành lý với dung tích tối đa từ 1.982L trở lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm này, Mazda CX-5 vẫn là một mẫu xe gầm cao rất đáng mua. Ngoài ra, xe cũng được cung cấp với 6 phiên bản khác nhau, giúp người mua có thể dễ dàng chọn cho mình một phiên bản phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân.
Chúc bạn sớm tìm được mẫu xe ưng ý!