Xử lý nhanh các tai nạn thường gặp khi làm bếp

Thúy Giang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/04/2015
Chia sẻ

Bạn đã biết cách "ứng phó" với những tai nạn làm bếp thường gặp chưa?

Bỏng

Bỏng là loại tổn thương khá phổ biến khi làm bếp. Nguyên nhân bị bỏng rất đa dạng, có thể do nước sôi, do chạm tay vào nồi xoong nóng, do hơi nước từ nồi nấu ăn bốc lên, do dầu mỡ bắn,… Khi gặp phải các tai nạn làm bếp này, cần bình tĩnh tiến hành các cách xử lý sau đây để vết thương chóng lành:

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho nước chảy chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nếu là bỏng do dầu mỡ bắn vào mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý (NaCL) hoặc nước sạch mỗi 10 phút một lần, cố gắng mở to mắt để chất bẩn theo nước trôi ra ngoài. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, vừa giảm viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương. Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da.


- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng da bị bỏng như giầy, dép, vòng, nhẫn,… trước khi vết bỏng bị sưng phồng.

- Che phủ vùng da bị bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch để băng vết bỏng lại.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự lành nhờ quá trình biểu mô hóa, sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

- Chú ý: Tuyệt đối không được dùng nước mắm,  kem đánh răng,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến tình trạng bỏng nặng thêm hoặc nhiễm trùng da, gây khó khăn cho quá trình điều trị. 

Vết thương do dao, kéo,…

Dù có đến nhiều năm kinh nghiệm làm bếp đến mấy, bạn vẫn không thể tránh khỏi những lúc sơ suất khiến dao, kéo hay vật nhọn khác đâm vào tay. Lúc này, không nên bối rối hay hoảng loạn, chỉ cần nhớ thực hiện những bước sau:


- Lấy vật nhọn ra khỏi vết thương, dùng giấy/khăn sạch thấm sạch vết máu chảy.

- Nếu sau năm phút mà máu vẫn tiếp tục chảy, bạn phải cầm máu bằng cách dùng một chiếc khăn cotton sạch băng kín vết thương. 

- Ấn và giữ chiếc khăn thật chặt ngay vị trí đang bị chảy máu cho đến khi máu ngừng chảy hẳn.

- Bạn cũng có thể đặt vùng bị thương lên cao hơn vị trí của tim, theo hướng đối diện với dòng máu chảy. Điều này cũng giúp cầm máu hiệu quả.

- Rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng rồi lau sạch bằng bông gòn. Bạn có thể dùng nước muối đẳng trương để lau rửa vết thương theo công thức: cho từ 30g đến 45g muối vào một lít nước đun sôi để nguội.

- Để phòng tránh nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn cho các vết thương, bạn cần dùng kháng sinh. Hãy tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ về loại kháng sinh thích hợp với tình trạng sức khỏe cũng như mức độ tổn thương trên da.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày