Ngày 27/9, Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa nhận được thông báo của WHO-IHR về ca bệnh mới nguy hiểm này.
Ngày 25/9/2012, phát hiện 01 bệnh nhân 49 tuổi người Qatar có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính có suy thận; khởi phát bệnh ngày 03/9/2012, bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Trước khi khởi bệnh bệnh nhân có đi du lịch tới Soudi Arabia. Khi có dấu hiệu bệnh đã được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm chủng mới coronavirus. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, chủng mới coronavirus này không phải là chủng vi rút gây bệnh SARS năm 2003. Trước đó vào đầu năm 2012, phòng xét nghiệm tại Hà Lan đã xác định 01 trường hợp người Saudi Arabian đã tử vong do nhiễm chủng vi rút mới này. Hiện chưa xác định được mối tiếp xúc liên quan với trường hợp nêu trên. Tất cả các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân (kể cả cán bộ y tế) đã được giám sát sức khỏe và không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. (Theo Dân Trí)
|
Dấu hiệu nhận biết
Theo nguồn tin, căn bệnh viêm đường hô hấp cấp tính kèm suy thận do một loại coronavirus mới, khác với virus SARS xuất hiện năm 2003. Tuy vậy, khi bị nhiễm virus, bệnh nhân cũng có các biểu hiện như bệnh cúm thông thường như:
- Sốt cao không rõ nguyên nhân (trên 38 độ C).
- Một vài triệu chứng hô hấp như ho, thở dốc, khó thở.
Ngoài ra, các triệu chứng khác cũng có thể bao gồm đau đầu, đau hay cứng cơ, chán ăn, khó ở, lẫn lộn, nổi mẩn, và tiêu chảy. Sau 3 đến 7 ngày, thì bắt đầu bị ho khô và khó thở.
Hơn nữa, loại virus mới này còn có khả năng gây tác động xấu tới chức năng của thận, vì thế bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu sau:
- Nước tiểu có bọt hay có nhiều bong bóng. Bạn có thể đi tiểu nhiều lần hơn bình thường, hay lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt
- Số lần bạn đi tiểu ít hơn bình thường, hay lượng nước tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu có màu tối hoặc có máu.
- Chân, cổ chân, bàn chân, mặt và/hay tay bị phù nề do thận bị suy yếu gây tích trữ nước ở các bộ phận.
- Sự tích tụ dữ dội của các chất thải trong máu (chứng ure huyết) cũng có thể gây nên tình trạng buồn nôn và nôn. Chán ăn có thể dẫn tới sút cân.
- Bạn có thể bị ngứa ở mức độ nặng vì khi thận bị suy khiến các chất thải tích tụ lại trong máu..
Biện pháp phòng tránh
Cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm SARS là tuyệt đối không tiếp xúc với người bệnh, không đi đến khu vực có dịch, đồng thời phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.
- Không dùng tay giụi mắt, ngoáy mũi và đưa vào miệng khi chưa rửa sạch.
- Khi ho hay hắt hơi cần dùng khăn tay hoặc giấy che miệng và mũi lại.
- Nên dùng khẩu trang (loại có màng lọc virus) thường xuyên khi đến các địa điểm công cộng như xe buýt, siêu thị, nhà sách…
- Hạn chế đi du lịch tới những nơi có tiền sử phát bệnh SARS.
Ngoài ra chúng ta cần ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục đều đặn , giữ cho cơ thể khỏe mạnh và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Do hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, dự phòng bội nhiễm và hỗ trợ hô hấp. Thêm vào đó, các thuốc kháng virus tỏ ra ít có hiệu quả, vì thế mọi người cần nâng cao ý thức bản thân đề phòng dịch bệnh có khả năng bùng phát trong mùa Thu – Đông này.