Trở nên "điếc đặc" vì côn trùng bay vào tai

bác sĩ Mèo , Theo Trí Thức Trẻ 12:01 09/11/2013
Chia sẻ

Đôi tai là bộ phận vô cùng nhạy cảm đó.

Chào bác sĩ,

Cách đây 2 ngày, khi đang nằm ngủ bỗng đột nhiên em thấy ngứa lỗ tai bên trái kinh khủng. Em liền thò tay vào ngoáy vài cái thì hết ngứa ngay nên em không để ý nữa. Tuy nhiên, bắt đầu từ sáng hôm qua và cả ngày hôm nay, tai em cứ có cảm giác nhột và thỉnh thoảng xuất hiện những tiếng sột soạt như có con gì ở trong tai vậy. Em đã mua thuốc về nhỏ nhưng càng nhỏ tai càng đau rát, thỉnh thoảng còn bị ù nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và phải xử lý ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (tuthi...@yahoo.com).

Trở nên "điếc đặc" vì côn trùng bay vào tai 1

Trả lời:

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ có khả năng em đã bị một loại côn trùng nào đó chui vào tai.

Tai ngoài có một số dây thần kinh đi qua, vì vậy, côn trùng bò đến phần ngoài ống tai bệnh nhân sẽ có cảm giác nhột, khó chịu, ngứa ngáy. Nhưng khi côn trùng bò vào phần trong ống tai gần màng nhĩ thì sẽ rất đau. Nhất là một số côn trùng như gián, kiến, bọ... thường chui vào tai người khi đang ngủ, khiến tai bị đau nhức dữ dội.

Khi gặp côn trùng chui vào tai, trước hết cần bình tĩnh, đừng cố sức chọc lấy ra, nó sẽ chui sâu hơn vào trong tai làm chấn thương màng nhĩ và có thể gây điếc.

Trở nên "điếc đặc" vì côn trùng bay vào tai 2

Lúc này, bác sĩ Mèo khuyên em cần xử trí theo các bước sơ cứu như sau:

- Nhỏ ôxy già hoặc nước ấm (khoảng bằng với nhiệt độ cơ thể, tránh nóng quá gây bỏng) ngay sau khi bị côn trùng chui vào tai, sau đó nằm nghiêng đầu lại cho nước chảy ra.

- Dùng đèn pin soi rọi vào, nếu côn trùng ở gần phía ngoài tai, có thể nhìn thấy thì dùng kẹp y tế gắp ra. Lưu ý, nếu đã không lấy được côn trùng ra thì không nên cố lấy, bởi vì càng cố sẽ làm cho côn trùng chui sâu vào trong gây chấn thương màng nhĩ hoặc sẽ làm chúng nát ra, dễ dẫn đến nhiễm trùng tai.

Sau khi áp dụng những cách sơ cứu trên mà vẫn không lấy được côn trùng ra thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lí thích hợp tránh những tổn thương nặng nề hơn. Hoặc sau khi lấy được côn trùng ra, những ngày tiếp theo, em vẫn thấy tai khó chịu, ù, đau rát thì cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được phác đồ điều trị kịp thời, thích hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe sau này.

Cuối cùng, để phòng ngừa tình trạng côn trùng chui vào tai tái diễn trong tương lai, em cần chú ý thực hiện những điều sau:

- Hạn chế việc ngủ dưới đất, nên ngủ trên giường và buông màn.

- Không nên ăn uống, gây đổ bẩn ra giường, là nguồn thu hút kiến, côn trùng đến.

- Vệ sinh sạch sẽ, tránh để thức ăn thừa, các chất ngọt như bánh kẹo vấy bẩn trên quần áo, chăn mền và khu vực quanh giường ngủ.

- Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế các loài côn trùng ẩn náu.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Trở nên "điếc đặc" vì côn trùng bay vào tai 3
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày