Cách đây gần một tuần, do không cẩn thận mà em bị ngã cầu thang ở tư thế chống tay trái xuống. Sau đó, em thấy đau vùng khuỷu, không gấp hay duỗi được cẳng tay. Ngay lập tức em đã dán cao giảm đau nên các triệu chứng cũng đỡ nhiều. Tuy nhiên, mấy hôm sau, em vẫn cảm giác hơi nhức tay và khi sờ nắn vào khuỷu tay thì thấy có một mỏm xương nhỏ lồi ra. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc bệnh gì về xương không ạ? Em xin cảm ơn! (luu_mi...@yahoo.com). | |
Chào em, Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị trật khớp khuỷu tay. Đây là một chấn thương hay gặp, là loại trật khớp nhiều nhất ở người trẻ tuổi. Tổn thương trật khớp có khi còn kèm theo gãy xương phải phẫu thuật để điều trị. |
Khớp khuỷu được cấu tạo bởi đầu dưới xương cánh tay và đầu trên của xương trụ và xương quay: phần ngoài là lồi cầu tiếp nối với chỏm quay tạo thành khớp cánh tay - quay; phần trong là ròng rọc tiếp nối với hõm xích-ma lớn tạo thành khớp cánh tay - trụ. Gấp, duỗi là hai động tác quan trọng và duy nhất của khớp khuỷu.
Trật khớp khuỷu là cả hai xương cẳng tay: hõm xích-ma lớn và chỏm quay trật ra khỏi đầu dưới xương cánh tay chỗ ròng rọc và lồi cầu. Trật khớp khuỷu ra sau là hay gặp nhất chiếm 90% các trường hợp. Nguyên nhân gây trật khớp có thể do ngã chống tay, khuỷu duỗi tối đa, cẳng tay ngửa hoặc chấn thương gián tiếp.
Trật khớp có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh nên cần khám mạch máu và thần kinh: bắt mạch quay, mạch trụ ở cổ tay xem còn đập không, nếu không là bị rách ở vùng trật khớp; khám vận động và cảm giác ở đầu chi để đánh giá có hay không tổn thương các dây thần kinh. Nhiều trường hợp trật khớp động mạch cánh tay thường bị căng giãn, chèn ép hoặc tắc mạch muộn do giập nội mạc.
Việc điều trị trật khớp khuỷu phụ thuộc vào thời gian tồn tại và diễn biến của bệnh. Cụ thể:
- Trường hợp trật khớp khuỷu mới (dưới 3 tuần): phải kéo nắn khớp và nẹp bột. Thường nẹp bột khoảng 10 ngày thì tập vận động. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân nắn khớp được rồi nhưng kém vững do rách phần mềm nhiều thì phải cho bất động 3 - 4 tuần, sau đó mới tập vận động. Trường hợp không nắn vào được là do kẹt khớp, bị gãy xương nội khớp, chèn phần mềm, khi đó phải phẫu thuật đưa về vị trí.
- Điều trị trật khớp khuỷu cũ (trên 3 tuần): Trật khớp khuỷu cũ thường ở tư thế xấu, khuỷu duỗi 0 độ, cẳng tay mất chức năng, do đó phải phẫu thuật đặt lại xương hoặc làm cứng khớp ở tư thế cơ năng.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp cho tình trạng của mình.