Đề phòng tổn thương do ăn quá nóng
Nóng (nhiệt độ cao) là đặc trưng nổi bật của ăn lẩu. Đây có thể coi là yếu tố không thể thiếu và quyết định vị ngon của lẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, điều này lại rất có hại cho chúng ta. Nguyên nhân là do khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chịu được độ nóng cao nhất là 50 – 60 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ thông thường của nồi lẩu là 100, thậm chí lên tới 120 độ.
Khi chúng ta ăn ngay những thực phẩm vừa được làm chín trong nồi lẩu, khả năng làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản là rất cao. Cùng với đó, trong nồi lẩu còn chứa rất nhiều gia vị cay, mang tính kích thích, dẫn đến tình trạng viêm loét đường tiêu hóa. Vì thế, khi ăn lẩu, các bạn nên để đồ ăn ra một chiếc đĩa cho nguội bớt rồi mới ăn nhé!
Hạn chế ăn đồ tái
Ăn đồ tái (chưa chín hẳn) là một sở thích của rất nhiều người khi ăn lẩu. Điều này có ảnh hưởng xấu đến sự tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dinh dưỡng do thực phẩm chưa chín hẳn còn chứa rất nhiều vi khuẩn và kí sinh trùng, dễ gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. Lời khuyên cho chúng ta là nên để thức ăn chín hẳn và hạn chế ăn đồ tái ít nhất có thể.
Thay nước lẩu nếu ăn lâu
Đa số trong chúng ta đều nghĩ rằng nước lẩu càng ăn lâu sẽ càng ngon, tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Khi nồi lẩu được đun lâu, các vitamin cùng các chất có lợi bị phá hủy. Trong khi đó, lượng chất béo bão hóa, natri, purine và các thành phần gây hại lại tăng cao. Nó làm tăng nguy cơ béo phì, xơ vữa động mạch, gout, tiểu đường và một số căn bệnh nguy hiểm khác.
Các chuyên gia khuyên chúng ta chỉ nên uống nước lẩu khi mới nấu. Đặc biệt, sau 60 phút, lượng nitrit trong nồi lẩu tăng cao và gây hại, vì thế chúng mình nên thay nước lẩu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tips để ăn lẩu “chất lượng”
- Khi ăn lẩu, chúng ta thường cho rất nhiều gia vị cay. Vì vậy, để tránh bị nóng trong, các bạn nên cho thêm các loại rau mát như cải chíp, cải xoong, rau muống, mướp đắng, ngó sen… để giải nhiệt.
- Tuyệt đối không đeo kính áp tròng khi ăn lẩu. Điều này rất nguy hiểm bởi nhiệt độ từ nồi lẩu bốc lên sẽ làm tròng kính co lại, tác động vào mắt gây tổn thương, xuất huyết, thậm chí còn có thể dẫn đến mù mắt.
- Hạn chế ăn lẩu “vỉa hè”, ăn lẩu ở những nơi không đảm bảo do những nơi đó thường sử dụng gia vị chứa nhiều hóa chất để tạo mùi, tạo vị cho nước lẩu.
- Khi ăn lẩu, chúng mình cần tránh ngồi quá gần bếp, nhất là bếp ga, bếp cồn để tránh hít phải các chất độc hại nhé!