“Hung thần” của tóc
Tên của những "hung thần" này là Clorua trong hồ bơi, muối ở nước biển và cả ánh nắng mùa hè với những tia cực tím. Những điều này làm cho tóc trở nên xơ xác và chẻ ngọn. Chưa kể ánh nắng còn có thể làm phai nhạt màu tóc, khiến các lớp bảo vệ tóc trở nên yếu đi.
Chính vì thế, hãy thoa kem dưỡng ẩm cho tóc, hoặc có thể làm ướt tóc bằng nước rồi bôi dầu xả trước khi bơi khoảng 30 phút. Sau khi bơi, tóc chúng ta thường rối và ướt. Lúc ấy, tuyệt đối không sấy tóc, cũng đừng vội tạo kiểu tóc sẽ khiến tóc càng thêm hư tổn. Bạn cũng cần lưu ý nhẹ nhàng chải tóc thành từng lọn nhỏ, chải phía đuôi tóc trước bằng lược thưa để tóc không bị rối và tổn thương.
Ngoài ra, khi đi bơi, tốt hơn hết các bạn vẫn nên đội mũ bơi không thấm nước để bảo vệ tóc khỏi những "tên đáng ghét" này nhé!
“Hung thần” của mắt
Theo nghiên cứu, bể bơi là nơi cư trú ưa thích của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis, thủ phạm gây ra bệnh viêm kết mạc mắt. Vì thế, đeo kính bơi là việc làm cần thiết cho cho hoạt động bơi lội của bạn.
Hãy chọn loại kính áp chặt khuôn mặt, không khe hở. Thêm một lưu ý nữa là tránh dùng tay tháo lắp và lau kính nhiều lần vì nó có thể khiến vi khuẩn từ tay thâm nhập vào kính và tấn công mắt. Cuối cùng, thường xuyên dùng thuốc nhỏ mắt sau khi bơi là việc làm quan trọng giúp mắt bạn tránh xa được những vi khuẩn ở bể bơi.
“Hung thần” của làn da
Hóa chất trong hồ bơi và ánh nắng mặt trời lần nữa lại là những "hung thần" đối với làn da chúng ta. Lý do là vì làn da rất nhạy cảm, khi tiếp xúc với clo trong nước bể bơi nhiều có thể làm da bị khô và ráp.
Vì thế, trước khi đi bơi, bạn đừng quên thoa kem chống nắng nếu đó là bể bơi ngoài trời. Khi thoa kem, bạn cần lưu ý đến vùng tai, cổ, chân và những vùng nhạy cảm khác trên cơ thể. Kem chống nắng sẽ giúp làn da bạn không bị đen sạm và loại trừ nguy cơ ung thư da. Khi chọn mua kem chống nắng, bạn cần lưu ý đến chỉ số SPF trên 30 và loại không thấm nước khi đi bể bơi.
Thêm vào đó, đi bơi vào khoảng thời gian sáng sớm là thời điểm thích hợp nhất, tránh bơi vào thời gian từ 10h - 15h vì lúc này tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh mẽ nhất, rất dễ gây hại cho làn da.
Ngoài ra trước khi đi bể bơi, bạn cần uống đủ lượng nước cơ thể cần để không bị khử nước trong quá trình bơi, vì điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp của làn da. Cơ thể được cung cấp đủ lượng nước thì làn da sẽ căng mịn, láng bóng. Ngược lại thiếu nước làn da sẽ bị lão hóa, hình thành nhiều nếp nhăn và mất đi vẻ tươi sáng.
“Hung thần” của bộ ba tai – mũi – họng
Nước hồ bơi thường quấy rối tai và mũi, gây nên triệu chứng sặc nước và ù tai. Còn "kẻ thù" của họng lại là tên Cryptosporidium siêu nguy hiểm có khả năng gây nên bệnh tiêu chảy cấp, khiến cơ thể mất nước liên tục và rất nhanh, nguy cơ dẫn dến tử vong là rất cao.
Để phòng ngừa, bạn cần súc miệng sạch sau khi bơi để đuổi bớt vi khuẩn, làm sạch hóa chất gây hư tổn men răng, hôi miệng. Trong khi đó, tai lại rất cần bạn nghiêng đầu lúc lắc với một chân lò cò để lượng nước bên trong tai sẽ thi nhau chạy ra ngoài hết.
“Hung thần” của tam giác giới tính
Theo nghiên cứu gần đây, môi trường hồ bơi cũng có thể gây bệnh phụ khoa. Các bạn gái được khuyến cáo rằng nếu còn trong thời kỳ đèn đỏ, hoặc trước và sau 3 ngày nên hạn chế đi bơi. Sau khi bơi, để phòng tránh các nguy cơ bệnh tật, bạn nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín. Việc đi vệ sinh sau khi bơi cũng góp phần “đào thải” phần lớn vi khuẩn ra ngoài nữa đó!
Ngoài ra, thành bể bơi cũng là nơi tập trung rất nhiều vi khuẩn, do đó chúng ta không nên tuỳ ý ngồi bên bể bơi mà chưa mặc áo choàng, hoặc khoác khăn tắm.
Bạn có thể xem thêm: