Khoảng gần 1 tháng nay, không hiểu sao mà cứ cách vài ngày em lại bị chảy máu mũi một lần. Lúc đầu, máu chảy lượng rất nhỏ ở sâu trong mũi, em chỉ phát hiện ra khi dùng khăn giấy để vệ sinh và lấy rỉ mũi. Sau rồi dần dần lượng máu ngày càng nhiều, có lúc còn chảy ngược cả vào trong họng rồi xuống mồm khiến em nôn thốc nôn tháo vì em rất sợ vị tanh. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (may_ju...@yahoo.com) | |
Chào em, Chảy máu mũi là triệu chứng của rất nhiều bệnh, biểu hiện bằng chảy máu ra cửa mũi trước hoặc chảy xuống dưới họng miệng qua cửa mũi sau.
Bệnh thường xuất hiện trong mùa khô (độ ẩm không khí giảm, có ảnh hưởng đến sinh lý niêm mạc mũi) do các nguyên nhân cơ bản sau: 1. Nguyên nhân tại chỗ: - Viêm nhiễm (viêm mũi cấp, viêm xoang cấp, viêm loét mũi) hoặc có khối u (u máu, polip chảy máu, u xơ vòm mũi họng, ung thư mũi). |
- Chấn thương do ngoáy mũi, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt...
2. Nguyên nhân toàn thân:
- Bệnh về máu và thành mạch: Bệnh bạch cầu cấp, mãn tính; bệnh giảm tiểu cầu, ưa chảy máu; suy tủy; rối loạn các yếu tố đông máu; tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
- Các bệnh toàn thân khác như sốt xuất huyết, bệnh Denker, suy gan, thận mãn tính.
- Vô căn: Theo tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam, khoảng 70% số bệnh nhân chảy máu mũi mà không tìm thấy nguyên nhân.
Điều trị chảy máu mũi thường phải dựa vào phân loại mức độ:
1. Nếu chảy máu mũi nhẹ: Lượng chảy thường ít, chảy nhỏ giọt và có xu hướng tự cầm, thường chảy ở điểm mạch thì dùng 2 ngón tay bóp nhẹ cánh mũi trong 5 phút.
2. Chảy máu mũi vừa (thành dòng đỏ tươi, tràn ra mũi trước hay xuống họng, có xu hướng kéo dài) và chảy máu mũi nặng (vỡ các mạch lớn, mức độ mất máu nhiều hoặc chảy kéo dài, tái diễn nhiều lần, toàn trạng ảnh hưởng rõ: mạch nhanh, huyết áp hạ, vã mồ hôi, mặt tái nhợt) thì phải:
- Nhét bấc mũi trước, mũi sau: Thực hiện đúng kỹ thuật sẽ có thể kiểm soát hầu hết mọi trường hợp chảy máu mũi.
- Kết hợp dùng thuốc và tiêm Transamin, vitamin K cho bệnh nhân 6 giờ một ống.
- Tùy theo lượng mất máu mà đặt ra chỉ định truyền máu hay không.
- Nếu vẫn không cầm được máu thì cần thắt các động mạch: Động mạch cảnh ngoài, động mạch hàm trong, động mạch sàng trước.
Bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cụ thể trong trường hợp của mình, đồng thời nhận được chỉ định điều trị kịp thời.