Một lần trong lúc cắt móng chân, em vô tình cắt sâu quá nên bị chảy máu. Sau đó, khi móng mọc lại thì không còn được hồng và cứng nữa mà trở nên đen, mềm, dày lan ra cả móng. Mặc dù em đã nhiều lần cắt lại nhưng móng vẫn ở tình trạng này. Bây giờ em rất thiếu tự tin khi phải đi chân không, thậm chí không dám mang dép xỏ ngón nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu móng của em bị bệnh gì và cách chữa trị như thế nào ạ? Em xin cảm ơn! (liste...@yahoo.com.vn) | |
Chào em, Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh nấm móng. Móng cấu tạo bởi chất keratin cứng như sừng, có chức năng bảo vệ và làm tăng thêm vẻ đẹp cho những ngón tay ngón chân, đồng thời là vũ khí để tự vệ của con người. |
Bệnh nấm móng chủ yếu do vi nấm Trichophyton hoặc Menta- rophyles gây ra. Ngoài ra cũng có thể do một số vi nấm khác như Candia, nấm hoại thư sinh hơi (aremonium sp, scopulariopsi, critalidium sp, apergielus sp, fusarium).
Vi nấm thường xâm lấn móng bằng cách thâm nhập từ dưới móng, từ bờ xa hay ở bờ gần (sát ngay da móng) làm cho móng giòn, dày lên màu bẩn, phần dưới móng có bột vụn, trên móng có rãnh, lỗ chỗ. Lâu dần móng bị vẹm, phần còn lại xù xì, vàng đục. Cũng có khi vi nấm xâm nhập thẳng vào phiến móng từ phía trên làm thành các mảng móng mất màu dạng bột trắng (gọi là nấm móng trắng nông).
Điều trị nấm móng cần kiên trì. Nếu nhẹ có thể dùng thuốc bôi nhưng kết quả không chắc chắn. Trường hợp bệnh ở mức độ vừa và nặng phải dùng thuốc uống (có thể kết hợp thêm thuốc bôi). Cụ thể:
- Thuốc toàn thân: Terbinafin và intraconazol: Đây là 2 thuốc được dùng trong điều trị nấm móng. Tuy nhiên khi dùng 2 thuốc này cần chú ý, đối với Terbinafin có tới 3,4% người bệnh phải ngừng trị liệu vì tác dụng phụ của thuốc này. Phần lớn thuốc gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đỏ da nhẹ, còn tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ khoảng 1% nhưng nếu xảy ra thì lại rất nặng bao gồm: giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, sự giảm sút bạch cầu này dẫn tới nhiễm khuẩn (gây viêm họng, lở loét, sốt), nhiễm độc gan nặng...
- Thuốc dùng ngoài gồm: mỡ griseopulvin, terbinafin, ketoconazol (nizoral) hay các loại azol khác. Chỉ dùng cho những trường hợp nấm trắng nông hay nấm móng nhẹ.
Cách dùng: Giũa cho hết phần móng bị bệnh và giũa qua phần lành rồi bôi thuốc lên. Với nấm móng chân cũng như móng tay phải dùng tối thiểu 6 - 12 tháng.
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa da liễu khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp và kịp thời cho tình trạng bệnh của mình.
Ngoài ra, em cũng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc bảo vệ móng như sau:
- Không cắt hoặc gây tổn thương cho móng, bởi vì vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương nhỏ gây nhiễm khuẩn móng.
- Hạn chế để móng tiếp xúc trực tiếp hay tiếp xúc lâu với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, dầu nhớt, xà phòng… vì các chất này rất dễ làm tổn thương, thay đổi cấu trúc, hình dạng và màu sắc của móng.
- Tuyệt đối không dùng thuốc rửa móng có chất acétone vì hóa chất này làm móng khô giòn, dễ gãy.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!