Mũi nằm ngay vị trí trung tâm của khuôn mặt nên dù nhìn nghiêng hay nhìn thẳng thì nó vẫn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung. Cùng với sự phát triển của công nghệ làm đẹp, ngày càng nhiều người quyết định cải thiện nhan sắc của mình bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Dẫu rằng làm đẹp là một nhu cầu đúng đắn nhưng đằng sau bước cải tạo đó là hàng loạt những nguy cơ tiềm tàng không hề dễ chịu đâu nghen! Chúng mình hãy cùng soi vào Michael Jackson và Hwang Jung Eum – hai nạn nhân điển hình của phẫu thuật mũi nhé!
Michael Jackson và sự cố “chỉnh mũi quá tay”
Teen biết không, phẫu thuật thẩm mỹ mũi cũng có nhiều kiểu: nâng cao sống mũi, thu hẹp cánh mũi, thay đổi hình dáng phần đầu mũi, điều chỉnh các chỗ gồ cao ở mũi… Trong số đó thì nâng mũi là biện pháp mà nhiều sao cũng như XX nhà mình hay tìm đến nhất. Đây là thủ thuật sử dụng xương, sụn, mỡ, dây chằng hay chất silicon dẻo độn vào mũi.
Tuy nhiên, việc thêm, bớt các mô liên kết (sụn) hay xương trong khoang mũi có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp và khó khắc phục sau khi phẫu thuật. Trường hợp của ông vua nhạc Pop - Michael Jackson là một ví dụ điển hình. Một vài cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đã biến ước mơ có một sống mũi thẳng, thanh nhã của Michael thành hiện thực. Thế nhưng họ đã quá tay. Xương sống mũi phải chịu đựng sự nâng cấp thường xuyên dưới bàn tay của bác sĩ nên dần dần bị vôi hoá và kết quả, thay vì sống mũi cao thanh đẹp, chiếc mũi vốn “không hề tệ” của Michael Jackson đã bị biến dạng, trở nên xấu xí hơn gấp nhiều lần.
Hwang Jung Eum: “Thà bỏ hết còn hơn”
Mới đây trong chương trình Jung Bo Suk’s Chung Dam Dong 1AM của đài MBC, Hwang Jung Eum đã chia sẻ một kỷ niệm khó quên của bản thân: “Thực sự là chị bị mắc chứng tự ti. Chị không hoàn toàn hài lòng về vẻ ngoài của mình. Có những lúc, để ngăn mình đi phẫu thuật thẩm mỹ, chị thường tự nhủ rằng: “Mình xinh đẹp, mình rất xinh đẹp.” Thế mà vẫn có một lần, chị quyết định đi sửa mũi. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đó đã quá tay khiến mũi chị bị nâng cao hơn mức cần thiết. Trông chị lúc đó giống hệt như là Keanu Reeves vậy! Đó là lý do chị đã phải tháo bỏ tất cả những gì mình đã làm. Trong suốt 1 tháng trời, chị không dám ra ngoài mà chỉ quanh quẩn ở nhà và công ty mà thôi!”
Phẫu thuật mũi được thực hiện như thế nào nhỉ?
Chất liệu ghép vào mũi thường được gọi là sống mũi hay mảnh ghép vật liệu có thể lấy từ chính cơ thể người được ghép hoặc từ ngân hàng mô (xương hoặc sụn người chết sấy khô, tiệt trùng) hoặc được làm nhân tạo. Tuy nhiên, ngày nay người ta thường ít sử dụng mảnh ghép được lấy từ ngân hàng mô để đề phòng việc lây bệnh viêm não, một loại bệnh giống bệnh bò điên, hiện nay chưa có cách phòng ngừa và chữa trị.
Những biến chứng khôn lường
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những biến chứng trong phẫu thuật nâng mũi cũng dần được hạn chế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi chiếc mũi cao, thanh tú nhờ bàn tay chuyên gia đó đều là an toàn.
Mọi người thường nghĩ rằng mổ thẩm mỹ thì sẽ không để lại sẹo nhưng sự thật là sẹo vẫn luôn tồn tại. Vấn đề là ít hay nhiều, rõ hay không, có che giấu được ở những vùng khó thấy hay không mà thôi. Đặc biệt đối với những ấy nào có cơ địa sẹo lồi thì nên cân nhắc kĩ càng trước khi quyết định sửa mũi. Thử nghĩ mà xem, chỉ nặn một chiếc mụn thôi mà sẹo lồi đã được đà tấn công rồi huống chi là thực hiện một ca phẫu thuật.
Chưa hết, đối với lứa tuổi của teen, cơ thể chúng mình còn đang trong quá trình hình thành và phát triển nên việc can thiệp dao kéo vào bất cứ vị trí nào (trừ những trường hợp bắt buộc) đều dẫn đến hậu quả đáng sợ, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chúng mình sau này.