Chào bác sĩ,Khoảng gần 1 năm nay, em rất hay bị đau nhức ở khớp bàn tay và bàn chân. Kèm theo tình trạng đó còn xuất hiện triệu chứng da ở vị trí ngón tay lên đến cổ tay và từ ngón chân đến đầu gối ngày càng dày lên, cứng đanh, căng ra khiến việc cử động khá khó khăn. Ngoài ra, thỉnh thoảng em còn bị phù tay chân và giãn mao mạch ở khắp người nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách xử trí ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (bella...@yahoo.com.vn).Trả lời:Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng xơ cứng bì toàn thể.
Đây là một bệnh mãn tính đặc trưng bởi xơ cứng lan tỏa của da và tổn thương các nội tạng. Bệnh thường xuất hiện với tỷ lệ nữ mắc gấp 2 - 3 lần so với nam.
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ, người ta cho rằng có vai trò của các yếu tố tự miễn dịch, tự điều hòa sự tổng hợp xơ và ảnh hưởng của nghề nghiệp. Xơ cứng bì có thể xảy ra khu trú hay toàn thể. Trong đó, xơ cứng bì khu trú (morphea, linear scleroderma) không gây tổn thương nội tạng nên là thể bệnh lành tính. Còn xơ cứng bì toàn thể có 2 dạng:
- Dạng lan tỏa (chiếm tỷ lệ 20%): thường có các biểu hiện: canxi hóa dưới da, hội chứng Raynaud, tổn thương thực quản, xơ cứng ngón tay và giãn mao mạch.
- Dạng giới hạn (chiếm tỷ lệ 80%).
Tổn thương da và nội tạng là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh, trong đó tổn thương nội tạng có thể xuất hiện trước những thay đổi ở da. Bệnh tiến triển, dần dần da trở nên dày, kém đàn hồi và mất các nếp nhăn bình thường.
Những dấu hiệu đặc trưng là giãn mao mạch dưới da, có những đám mất sắc tố hoặc sạm màu. Các đầu ngón tay, chân bị loét, canxi hóa dưới da. Bệnh nhân bị khó nuốt do giảm chức năng thực quản, rối loạn nhu động của thực quản, sau đó xơ hóa.
Xét nghiệm có thể thấy thiếu máu nhẹ, hoặc thiếu máu huyết tán do tổn thương có tính chất cơ học của hồng cầu trong các mạch máu nhỏ bị bệnh; tăng tốc độ máu lắng; tăng gammaglobulin máu; protein niệu và trụ niệu xuất hiện khi có tổn thương thận.
Việc điều trị xơ cứng bì toàn thể cần phối hợp giữa điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Cụ thể:
- Những bệnh nhân có hội chứng Raynaud sẽ đáp ứng tốt với các thuốc chẹn canxi.
- Người có bệnh lý thực quản nên dùng thuốc ở dạng dung dịch hoặc nghiền nhỏ. Tình trạng trào ngược thực quản có thể giảm hoặc ngăn chặn hình thành sẹo bằng cách tránh ăn uống muộn vào ban đêm, nâng cao đầu giường và dùng các thuốc kháng acid như omeprazol, lansoprazol.
- Bệnh nhân chậm tiêu cần ăn nhiều bữa để đảm bảo cân nặng. Nếu kém hấp thu do tăng sinh vi khuẩn ruột có thể dùng kháng sinh điều trị sẽ đáp ứng tốt. Nên sử dụng thuốc ức chế men.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng đến bệnh viên chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp trời và thích hợp cho tình trạng của mình.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!