Chào bác sĩ Mèo,
Năm nay em 19 tuổi. Từ khi còn rất bé, em thường hay bị tưởng tượng ra nhiều thứ không có thật. Mặc dù em đã cố không để những câu chuyện tưởng tượng đó lấn át vào cuộc sống cũng như suy nghĩ của mình nhưng đã thất bại. Em không thể ngừng nó lại được, nó cứ nhảy vào đầu em một cách tự nhiên. Và em nhận ra rằng chuyện này ngày càng trở nên xấu đi, bây giờ buổi tối em rất khó ngủ, có khi còn thức trắng đêm nữa. Em đã tìm hiểu nguyên nhân ở trên mạng nhưng không có hiệu quả.
Bác sĩ cho em hỏi: bây giờ em phải làm gì để có thể ngăn chuyện này lại được? Em cảm ơn. (gau...@gmail.com)Trả lời: Chào em,
Qua những gì em mô tả bác sĩ Mèo nhận thấy có thể em đã mắc phải chứng
hoang tưởng ảo giác. Khi còn bé, việc em tưởng tượng ra những điều không có thật là bình thường vì trí tưởng tượng của trẻ em thường rất phong phú, cộng thêm trí sáng tạo của trẻ em cũng rất đa dạng nên dễ liên tưởng đến nhiều sự vật, hiện tượng siêu nhiên. Tuy nhiên, nếu khi lớn lên mà em vẫn bị tưởng tượng nhiều thứ không có thật, nghiêm trọng hơn là việc đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống thì em cần phải hết sức cẩn thận.
Hoang tưởng ảo giác là một dạng triệu chứng thường gặp ở những bệnh loạn thần nặng (tâm thần phân liệt, loạn thần do nghiện rượu, loạn thần cấp...). Đây là bệnh nội sinh nhưng có người vẫn còn nhầm lẫn cho rằng đây là bệnh mắc phải do stress, do yếu tố môi trường, do chấn thương.
Người bệnh thường có ý nghĩ hoặc hay nói về các sự việc không có trong thực tế. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, không ngủ, đảo giấc (ngày ngủ đêm thức); rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng ma nhập, người chết nhập vào, luôn có cảm giác bị theo dõi, bị hại, bị bắt, bị giết, bị bệnh... Có người lại có hoang tưởng phát minh, nghiên cứu sáng chế...
Tuy nhiên, bệnh hoang tưởng rất khó chẩn đoán bởi biểu hiện của người bệnh rất phức tạp. Cũng không giống như những bệnh tâm thần khác, bệnh hoang tưởng thường tới bất ngờ, mặc dù trước đó một thời gian người bệnh có thể có những biểu hiện khác thường như bị mất ngủ. Khi lên cơn, người bệnh thường kể cho mọi người thân rằng mình bị rình rập, theo dõi, đe dọa, bị ma ám hoặc vừa nhận được một nhiệm vụ đặc biệt... Trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể có những hành động có hại cho bản thân hoặc cho người khác, sau đó thường có xu hướng lẩn trốn vì mặc cảm tội lỗi.
Vì vậy, để muốn biết chính xác có mắc bệnh hay không em cần đến khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời. Có như thế bệnh mới nhanh thuyên giảm và khả năng phục hồi sẽ càng cao.
Chúc em luôn khỏe mạnh!