|
Cách đây gần 1 tuần, vì mải chơi nên mãi đến tận khuya em mới đi tắm. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi phòng tắm, em bỗng thấy người choáng váng và em đã trượt chân ngã xuống sàn. Mất 1 lúc sau ngồi im định thần lại thì cơ thể em mới trở lại trạng thái thăng bằng như trước. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, khi đánh răng, em phát hiện ra mặt em bị mất cân xứng, nhân trung lệch và môi miệng hơi bị nhếch về phía bên trái. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đã mắc phải bệnh gì và làm thế nào để mặt mũi trở lại cân đối, bình thường ạ? Em xin cảm ơn! (thutra...@yahoo.com) |
|
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị chứng liệt nửa mặt (hay trong dân gian thường gọi là “méo mặt”).
Đây là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, với nhiều biển hiện khác nhau như: Người bệnh không nhắm kín được mắt ở bên liệt, không huýt sáo, không thổi, không chúm môi được. Có thể có một số chứng khác, cụ thể: ù tai, nghe kém và mỏi chân tay bên đối diện với nửa mặt bị liệt. |
Những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng liệt nửa mặt:
- Do u não: bao gồm u ở cầu não, u góc cầu tiểu não, u nền sọ (chú ý tới u màng não ở nền sọ), u vòm họng.
- Do sang chấn: sang chấn, ngã, đụng dập gãy rạn nứt xương đá.
- Do viêm nhiễm: bao gồm viêm màng não (nhất là viêm màng não do lao); viêm nhiễm rễ dây thần kinh (liệt dây VII hai bên - thể thân não của bệnh bại liệt); biến chứng của viêm tai cấp tính, mãn tính, viêm tuyến mang tai, viêm xương đá.
- Do "lạnh" (dân gian gọi là "trúng gió"): Thường gặp với bệnh cảnh đột ngột, sau khi tiếp xúc với trời lạnh, ngáp và bị liệt có thể đó là do nhiễm khuẩn tiềm tàng, chỉ biểu hiện ra khi nhiễm lạnh.
- Do bệnh Zona hạch gối: Zona là bệnh cấp tính do virus hướng thần kinh phạm vào hạch gối gây liệt mặt đột ngột. Đặc điểm là phát ban: ban đỏ, mụn nước ở quanh vành tai, vùng viền ống tai ngoài; có thể phạm cả vùng dây VII nên có thể có ban đỏ, mụn nước mọc ở 2/3 trước lưỡi.
Đối với liệt nửa mặt chưa rõ nguyên nhân hoặc “do lạnh” cần tiến hành những biện pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa như sau:
- Giữ mặt cho ấm (quấn khăn len nếu trời lạnh).
- Sử dụng vitamin B1 liều cao: 0,025g - 10 ống/ngày, kết hợp với kháng sinh Ampicilin 1 - 2 g/ngày và kháng viêm Prednisolone, Hydrocortancyl theo chỉ định của bác sĩ.
- Thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch Chloramphenicol trong trường hợp nặng. Không được dùng Strychnine vì dễ chuyển sang co cứng.
- Vật lý trị liệu: Cho người bệnh chạy điện nóng và làm sóng ngắn ngay ngày đầu.Có thể cho chạy điện dẫn Iod hoặc Ca.
- Thường xuyên tập các động tác ở mặt, ở trán, ở môi miệng.
- Châm cứu bên liệt các huyệt giáp xa, địa thương, thảo đường, có thể châm thêm các huyệt ấn đường, nghinh hương, hợp cốc. Trong quá trình châm cứu, cần định kỳ theo dõi, khám lại.
- Có thể phẫu thuật, nhất là những trường hợp nhanh chóng chuyển sang liệt co cứng nửa mặt.
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám trực tiếp, từ đó phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh và có chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời.