Hoang mang khi bắp tay sần sùi như da gà

PLXH, Theo 12:19 12/12/2011
Chia sẻ

Đó có thể là bệnh gì vậy nhỉ?

Năm nay em 18 tuổi và là nữ. Không hiểu sao vùng bắp tay của em lại bị nổi da gà thành từng đám, bề mặt còn có vảy trắng và rất ngứa. Triệu chứng trên chỉ kéo dài khoảng 5 - 7 ngày rồi kết thúc nhưng sau đó vài ngày thì lại tái phát. Tình trạng này xuất hiện đã khá lâu nhưng em nghĩ rằng nó không nguy hiểm gì nên em không đi khám. Tuy nhiên, đến nay chứng bệnh này đã gây cho em rất nhiều bất tiện như mặc áo ngắn tay thì mất tự tin còn nếu áo dài tay thì sẽ cọ vào da gây ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Liệu em đang mắc phải loại bệnh gì và có cách nào để chữa khỏi bệnh nhanh chóng không ạ? Em xin cảm ơn! (huongc...@gmail.com)

Chào em,

Rất đáng tiếc vì các triệu chứng em mô tả trong thư còn quá chung chung, em không nói rõ kích thước, vị trí của các nốt sần cũng như thời gian bị ngứa chính xác đã được bao lâu nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán căn bệnh mà em đang mắc.

Tuy nhiên, nếu các nốt sần của em xuất hiện tại các lỗ chân lông thì đó là hiện tượng viêm nang lông gặp phải khi thời tiết thay đổi. Những ngày khí hậu ẩm ướt, vi khuẩn tại các nang lông hoạt động mạnh hơn gây nên hiện tượng ngứa.

Ngoài ra, cũng có thể em đã mắc phải một trong số những bệnh về da như sau:
 
- Á sừng: xuất hiện kèm theo từng mảng vảy trắng mịn, trên bề mặt vảy có tăng sừng tại các lỗ chân lông (những đốm nâu, đen, hơi gồ lên, bề mặt hơi nhám). Tổn thương thường không đối xứng, ngứa và có thể xuất hiện ở lưng, mặt ngoài tay. Nguyên nhân bệnh có thể là do da có phản ứng dị ứng xa đối với các ổ nhiễm trùng thường gặp như ở họng, mũi, răng...

- Chàm nang lông: lỗ chân lông to, dầy sừng, kèm ngứa. Bệnh thường đối xứng ở 2 bên đầu gối, cùi chỏ kèm theo da khô, nhất là ở lòng bàn tay - chân. Để chống lại bệnh, chúng ta nên tắm bằng các loại sữa tắm của trẻ em hoặc các loại sữa tắm không chứa lipid và bôi các loại kem dưỡng ẩm, tiêu sừng…
 
- Dầy sừng nang lông: triệu chứng là các lỗ chân lông to, tạo cồi, rời rạc, thường đối xứng ở mặt ngoài cánh tay và mặt trước đùi, có thể ngứa.
 
Nếu tình trạng ngứa lặp lại nhiều lần, em bắt buộc phải khám da liễu kĩ càng để tìm ra tác nhân gây dị ứng. Để giảm ngứa, ngoài việc dùng thuốc em còn có thể dùng khăn hấp nóng đắp vào chỗ ngứa hoặc dùng một chai nước nóng chườm vào chỗ ngứa. Đồng thời, em chú ý khi tắm không được dùng xà phòng (trừ khi có chỉ định của bác sĩ), không cào gãi, chà xát mạnh để tránh làm tổn thương nặng thêm gây bội nhiễm ở phần da đang bị viêm.

Theo bác sĩ Mèo, việc tốt nhất em nên làm ngay lúc này đó là hãy nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh có cơ hội phát triển gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em sau này.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày