Giật, nhổ tóc
Không phải ai cũng biết rằng giật tóc là một hội chứng đã được khoa học chứng minh. Đây là căn bệnh tâm thần nghiêm trọng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhiều người không nhận biết nên coi nó như vô hại. “Nghiện giật tóc” là một dạng rối loạn đặc trưng bởi sự thôi thúc không thể kiềm chế được phải kéo đứt lông, tóc trên cơ thể mới “chịu yên”. Vì vậy, nó cũng được xếp vào dạng bệnh nghiện và phát triển âm thầm, nếu nặng có thể dẫn đến
hói đầu và viêm nhiễm trầm trọng.
Biểu hiện ban đầu của chứng này chỉ là những thói quen như xoắn tóc, vuốt lông mi, lông mày nhưng lâu dần tạo thành tật khó sửa, phải kéo và nhổ tóc thì mới dễ chịu. Khi đã phát bệnh, những thói quen này rất khó bỏ, thậm chí còn vượt quá tầm kiểm soát và hậu quả dẫn đến là nhổ trụi cả một mảng đầu, tóc bị thưa dần, thậm chí còn chuyển sang giật cả lông mi hay lông mày. Những người mắc “hội chứng giật tóc” phải có quyết tâm cao để tự đấu tranh loại trừ tật xấu. Bạn cũng nên duy trì cuộc sống vận động, ăn uống cân bằng khoa học, năng tiếp xúc cộng đồng, nhờ sự tư vấn của bạn bè, người thân và bác sĩ để điều trị tật xấu khỏ bỏ này.
Gội và chải tóc sai cách
Nhiều bạn có thói quen mua dầu gội đầu theo mùi hương hay nhãn hiệu. Đây là cách chọn mua dầu gội không khoa học, bởi đôi khi một vài thành phần của dầu gội sẽ gây dị ứng da đầu, làm tóc rụng và gây hói đầu. Để phòng tránh nguy cơ này, bạn cần chọn dầu gội phù hợp với từng loại tóc, đọc kĩ thành phần và hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm thay vì chỉ lựa chọn dựa theo mẫu mã, mùi hương. Khi có dấu hiệu dị ứng phải dừng lại ngay. Nếu có điều kiện, bạn hãy sử dụng các loại dầu gội từ thiên nhiên như vỏ bưởi, bồ kết hoặc lá hương nhu.
Khi gội đầu nên tránh cho dầu gội tiếp xúc trực tiếp với da đầu, hãy pha loãng dầu gội rồi mới đổ lên tóc. Gội thật sạch, không để dầu gội còn sót lại trên đầu, tránh bụi bẩn bám vào sẽ làm tắc lỗ chân lông ảnh hưởng tới sự tuần hoàn nuôi dưỡng tóc. Trong khi gội đầu nên massage tóc để kích thích mao mạch và mao nang, thúc đẩy tóc nhanh mọc. Đối với việc chải đầu, bạn cần chú ý chải đầu đúng cách: hướng chải phải ngược với hướng tóc mọc chứ không xuôi theo chiều rủ xuống của tóc. Khi chải phần tóc ở đỉnh đầu và tóc phía sau, nên cúi đầu thấp, chải từ chân tóc để không làm hư tóc, mặt khác kích thích da đầu, giúp tóc mọc nhanh và bóng mịn.
Sử dụng quá nhiều hóa mỹ phẩm với tóc trong thời gian ngắn
Những sản phẩm nhuộm tóc, uốn, ép hay duỗi tóc đều chứa thành phần hóa học làm mở nang tóc, khiến tóc giòn, dễ gãy và làm tăng gánh nặng cho tóc. Thuốc uốn tóc có tính kiềm rất mạnh do đó dễ làm đóng vón chất protein, làm tóc mất đi sự óng mượt, hơn nữa uốn tóc ở nhiệt độ cao quá sẽ phá hủy các tế bào tầng, khiến tóc dễ rụng. Phản ứng đầu tiên là tóc dễ bị cháy, chuyển từ đen thành vàng, từ dày sang thưa, giòn, dễ gãy và chẻ ngọn, tóc xơ khô, thiếu sức sống. Về lâu dài, tóc sẽ yếu, rụng dần, đẩy nhanh nguy cơ hói đầu.
Do vậy, lời khuyên cho các bạn là nên làm tóc cách nhau ít nhất 6 tháng để tóc có thời gian kịp phục hồi. Sau khi làm tóc, các bạn nhớ chăm chỉ dưỡng tóc bằng cách thường xuyên dùng dầu xả, một tuần có thể ủ nóng hoặc ủ nguội một đến hai lần để tóc bóng đẹp và khỏe mạnh.