Khoảng 1 năm gần đây, bỗng nhiên em thường bị đau bụng và tiêu chảy phân lỏng nhất là khi em uống các loại nước có gas hoặc ăn đồ ăn chua. Tuy vậy lại có những lúc em bị táo bón kéo dài và bụng dưới quặn đau theo từng cơn. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu có phải đường tiêu hóa của em đang gặp vấn đề gì nghiêm trọng không và phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng khó chịu này ạ? Em xin cảm ơn! (haimin...@yahoo.com.vn) | |
Theo những gì em miêu tả trong thư thì có thể em mắc một trong hai dạng bệnh: 1. Tiêu chảy có thể là cấp tính khi thời gian bệnh tồn tại trong vòng 2 - 3 tuần, còn lâu hơn gọi là tiêu chảy mãn tính. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng có thể tóm lại thành hai nhóm chính như sau: |
- Nhóm 1: không có tổn thương tại ruột là hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS). Nếu chỉ bị hội chứng IBS thì người bệnh sẽ đại tiện phân lỏng, không có máu, có thể có nhày; đau bụng do có cảm giác chưa đại tiện hết phân; cân nặng cơ thể ít bị ảnh hưởng và khi xét nghiệm phân cũng như nội soi đại tràng thấy hoàn toàn bình thường.
- Nhóm 2: thương tổn thực sự như viêm đại tràng do amip và ký sinh trùng, viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn...
2. Viêm đại tràng mãn tính: xuất hiện sau đợt nhiễm khuẩn hay nhiễm ký sinh trùng ở ruột. Bệnh diễn biến theo chiều hướng mãn tính và theo từng đợt. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm đại tràng mãn tính, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn: các loại vi khuẩn gây hội chứng lỵ như shigella, samonella...
- Nhiễm nguyên sinh động vật: amip, lamblia.
- Nhiễm ký sinh trùng: các loại giun sống ký sinh ở đại tràng như giun đũa, giun kim, giun tóc và các loại sán ruột.
- Chế độ ăn uống: ăn uống không điều độ kéo dài hoặc các thức ăn gây kích thích, tổn thương niêm mạc ruột.
- Táo bón kéo dài.
- Viêm đại tràng thứ phát sau các bệnh khác của hệ tiêu hóa.
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng nhưng chủ yếu nhất vẫn là:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng. Phân thường nát, không thành khuôn, đi từ 2 - 6 lần trong ngày. Người bệnh thường cảm thấy không thoải mái sau khi đi đại tiện, hay có cảm giác mót rặn muốn đi nữa.
- Bụng trướng hơi: khu trú dọc khung đại tràng luôn cảm thấy căng tức, khó chịu.
- Ðau bụng: Ðau âm ỉ ở phần dưới bụng, đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện.
- Tình trạng toàn thân ít thay đổi. Nếu có thay đổi chỉ gặp ở người luôn lo lắng về trình trạng bệnh tật của mình hoặc ăn uống quá kiêng khem.
Rất đáng tiếc vì các triệu chứng trong thư em miêu tả còn quá chung chung, không nói rõ thời gian bị bệnh kéo dài bao lâu, đi lỏng mấy lần/ngày, tính chất phân như thế nào, ngoài ra có triệu chứng gì khác và cân nặng có thay đổi không nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác chứng bệnh mà em đang mắc phải.
Vì vậy, bác sĩ khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám và nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho trường hợp của mình.
Ngoài ra, em cũng nên xây dựng chế độ vệ sinh ăn uống hằng ngày bằng cách ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu hay thức ăn chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh (thịt lợn bị bệnh tai xanh, thịt gà bị bệnh cúm...) và hạn chế ăn các thức ăn lên men chua như dưa, cà... để bảo vệ cho đường tiêu hóa của mình.