1. Vì sao có những vết sẹo khó ưa?
Sẹo là những vùng da nhỏ bất thường (sậm màu, lồi, lõm) xuất hiện sau khi da chúng mình bị tổn thương. Tuỳ vào mức độ của vết thương mà sẹo để lại sẽ có màu sắc và kích cỡ khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung thì sẹo loại nào cũng khiến chúng mình mất tự tin. Sẹo hình thành khi lớp hạ bì nằm sâu dưới da bị tác động, vết thương càng sâu, sẹo càng khó lành.
Vùng da bị sẹo thường kém đàn hồi, nhạy cảm với tia cực tím hơn các vùng da còn lại, thời gian để làm lành một vế sẹo từ vài tháng cho tới hàng năm trời.
Thông thường tự cơ thể chúng mình sẽ tái sản sinh collagen để bù đắp cho mô sẹo, nhưng các tế bào sinh sau này không hoàn toàn trùng khớp với phần da còn lại nên sẽ khiến vùng bị sẹo trông vẫn nổi bật hơn các vùng da khác.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sẹo?
- Kích thước và chiều sâu của vết thương
- Vị trí vết thương
- Độ tuổi của bạn
- Khả năng cung cấp máu của cơ thể đến vị trí da bị tổn thương
- Loại da của bạn
Khi một vết sẹo xuất hiện, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn trên bề mặt da của chúng mình, tất cả những gì chúng mình có thể làm là chỉ khiến chúng mờ đi, bớt lồi, lõm mà thôi.
3. Có những loại sẹo nào?
- Sẹo lồi: mô sẹo nổi cộm trên bề mặt da, gây ngứa lúc mới xuất hiện, có màu từ hồng sậm tới nâu. Chúng hình thành do cơ thể không chịu ngừng sản xuất collagen bù đắp cho vết thương dù vết thương đã lành. Chúng thường phổ biến ở những teen có nước da ngâm.
- Sẹo co: vùng da bị nhăn và co lại, thường có màu hồng sẫm, gây ra chủ yếu bởi các vết cắt sâu, các vết bỏng.
- Sẹo lõm: trái ngược với sẹo lồi, chúng hình thành do cơ thể không đáp ứng đủ lượng collagen cần thiết để bù đắp cho vết thương đang lành.
- Sẹo thâm: loại sẹo phổ biến nhất, thường xuất hiện sau một thời gian bị mụn, do muỗi đốt...tuỳ vào mức độ mà mất từ 1 tháng đến vài năm để làm mờ.
4. "Xử lý" những vết sẹo như thế nào?
Có nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng để cải thiện những vết sẹo trên da của chúng mình, tất nhiên tuỳ vào loại sẹo và mức độ mà bác sĩ thẩm mĩ sẽ khuyên bạn nên dùng loại hình nào.
- Tiêm steroid: khi chất này được tiêm thẳng vào vết sẹo, chúng sẽ giúp sẹo mềm và phẳng hơn, thường được dùng để chữa sẹo lồi. Tuy nhiên, việc chữa trị này phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
- Ứng dụng ánh sáng: sử dụng các ánh sáng có bước sóng thích hợp để kích thích quá trình tái tạo da, làm mờ vết thâm, mềm sẹo... Biện pháp này được ứng dụng rộng rãi nhưng hiệu quả không cao như những gì đã quảng cáo.
- Phẫu thuật ghép da: dùng một phần da của cơ thể để ghép lên vùng da bị sẹo, thường áp dụng đối với những bệnh nhân có vết sẹo lớn do bỏng nặng, đại phẫu...
- Đối với sẹo thâm chúng mình có thể dùng chanh và nghệ để làm mờ sẹo nhanh hơn.