Dấu hiệu báo nguy cơ vô sinh của con gái

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/11/2012
Chia sẻ

Nó có thể liên quan đến bệnh viêm khớp nơi đây đó!

Dấu hiệu báo nguy cơ vô sinh của con gái 1

Năm nay em 18 tuổi và là nữ. Khoảng 3 tháng trở lại đây, không hiểu sao mà bỗng nhiên em rất hay bị đau vùng hông và mông. Những cơn đau này thường kéo dài dai dẳng và âm ỉ suốt cả ngày, thậm chí nhiều khi em còn không thể ngồi lâu, cúi xuống, nghiêng hay xoay người rất khó khăn. Đặc biệt vào những ngày em bị nguyệt san thì các triệu chứng trên càng trở nên nặng nề, khiến cho tâm trạng em không ổn định, dễ cáu gắt, hay căng thẳng và lo lắng. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đang mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (lynk...@yahoo.com)
Dấu hiệu báo nguy cơ vô sinh của con gái 2
Chào em,
 
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh viêm khớp cùng chậu.
 
Khớp cùng chậu nằm ở phía sau, giữa hai mông, là nơi tiếp giáp của xương cùng cụt dưới cột sống thắt lưng và phía sau hai xương cánh chậu. Viêm khớp cùng chậu thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị mắc các bệnh ở đại tràng như viêm đại trực tràng, viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục.

Đau trong viêm khớp cùng chậu thường có tính chất âm ỉ, kéo dài dai dẳng làm cho bệnh nhân mất ngủ, gây tâm trạng buồn rầu, lo lắng. Bệnh còn có thể lây lan gây tổn thương dây thần kinh tọa, làm teo cơ đùi, cơ mông. Với các triệu chứng này, nhiều người bị chẩn đoán nhầm là tổn thương cột sống, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng, đau thần kinh tọa…

Đối với nữ giới thì viêm khớp cùng chậu thường là thể hiện của viêm nhiễm vùng chậu như viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung. Bệnh dẫn đến tắc vòi trứng gây vô sinh, thai ngoài tử cung, nhiễm khuẩn mãn tính, tích mủ vòi trứng, buồng trứng... Ngoài ra, tổn thương còn dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ sau này, khiến thai nhi khó có thể đi qua tiểu khung đã trở nên bị hẹp, nên phải mổ lấy thai.

Để điều trị viêm khớp cùng chậu hiện nay thường chỉ định dùng các kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc tốt nhất là theo kháng sinh đồ và các loại thuốc chống viêm, giảm đau. Những trường hợp nặng cần phải dùng phối hợp các thuốc cefotaxime, ceftriaxone với  metronidazole, azithromycine, roxithromicine, clindamycine, gentamycine...

Đồng thời cần phối hợp điều trị tích cực các bệnh viêm đại trực tràng; viêm nhiễm đường tiết niệu như: viêm niệu đạo, bàng quang, niệu quản, viêm nhiễm đài, bể thận... và các bệnh nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục như: viêm âm hộ, âm đạo, tử cung, vòi trứng.

Ở giai đoạn lui bệnh, bệnh nhân cần tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh các tư thế xấu sau này.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chẩn đoán chính xác, từ đó có hướng điều trị thích hợp và kịp thời.

Ngoài ra, em cũng cần chú ý thực hiện những điều sau để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt:

- Uống nước đầy đủ để phòng bệnh sỏi tiết niệu vì dễ gây viêm đường tiết niệu do sỏi.

- Giữ gìn vệ sinh thân thể thật tốt, nhất là trong thời kỳ nguyệt san hàng tháng.

- Phòng tránh và xử lý tốt các chấn thương vùng đáy chậu, dập đứt niệu đạo…        

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
Dấu hiệu báo nguy cơ vô sinh của con gái 3
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày