Bệnh "quái ác" khiến cánh tay dài - ngắn bất thường

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 00:00 26/09/2012
Chia sẻ

Nó là chứng u xương sụn đấy!

benh-quai-ac-khien-canh-tay-dai-ngan-bat-thuong

Năm nay em 17 tuổi và là nam. Cách đây vài tháng, em tình cờ phát hiện ra 2 tay của mình dài không bằng nhau, cụ thể là tay trái dài hơn tay phải một chút. Sự chênh lệch này không nhiều nên việc bỗng nhiên xuất hiện một cục u cứng, không đau và có cảm giác mọc liền với xương cẳng tay mới thực sự khiến em lo lắng. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có bị bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (inu_s0j...@yahoo.com)
benh-quai-ac-khien-canh-tay-dai-ngan-bat-thuong
Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng u xương sụn.

Bệnh là sự quá phát của xương và sụn ở quanh các đầu xương, gần với sụn phát triển của xương (sụn tiếp). Sự quá phát này có thể gặp ở bất cứ xương nào có bản sụn phát triển như xương dài (xương đùi, xương chầy, xương cánh tay và các xương cẳng tay), xương chậu hoặc xương bả vai.

U xương sụn là tổn thương lành tính thường gặp nhất của các xương đang phát triển. Tổn thương này thường gặp trong quá trình phát triển của hệ xương, tức là lứa tuổi từ 10 đến 25 tuổi. Tần suất gặp ở nam và nữ là như nhau.

Nguyên nhân chính xác của u xương sụn chưa được biết đến và cho rằng có liên quan đến yếu tố gen, tuy nhiên có di truyền hay không thì chưa được khẳng định chính xác.

Các biểu hiện của u xương sụn cũng có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, vì vậy, việc thăm khám tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa là rất cần thiết.

Bên cạnh việc khám lâm sàng và khai thác tiền sử của bệnh nhân, một số thăm dò có thể được thực hiện để khẳng định chẩn đoán như:

- Chụp X-quang: cho phép xác định vị trí, kích thước u, mối liên quan với sụn tiếp hợp…

- Chụp cắt lớp vi tính: đánh giá rõ hơn u, đặc biệt ở các vị trí khó như xương sườn, xương bả vai, khung chậu, loại trừ các thương tổn u khác.

- Chụp cộng hưởng từ: đánh giá tốt hơn các tổn thương xương và phần mềm xung quanh.

Điều trị u xương sụn phụ thuộc vào kích thước, vị trí, số lượng u, mức độ ảnh hưởng đến toàn thân và vận động của khớp. Các phương pháp phổ biến là:

- Phẫu thuật để lấy bỏ khối u.

- Dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng, nhất là đau (nếu có).
 
Nếu bệnh nhân có u xương sụn nhưng không xuất hiện triệu chứng tiêu cực thì không cần can thiệp nhưng phải theo dõi và kiểm tra định kỳ. Việc can thiệp bằng phẫu thuật chỉ nên thực hiện vào giai đoạn muộn khi trẻ gần đến tuổi trưởng thành, nếu không vẫn có khả năng tái phát.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
benh-quai-ac-khien-canh-tay-dai-ngan-bat-thuong
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày