Ăn ngủ không yên vì bị đau sâu dưới cổ họng

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 26/04/2013
Chia sẻ

Đó có thể là dấu hiệu cổ họng bị viêm nhiễm đấy!

Ăn ngủ không yên vì bị đau sâu dưới cổ họng  1

Vài tháng gần đây không hiểu sao mỗi khi em đang nằm bình thường mà ngồi dậy đột ngột để đi uống nước thì tự dưng thấy tức tức ở sâu dưới cổ họng, đồng thời nuốt nước bọt khó. Không những thế em còn bị đau ở phần cổ bên phải, đau tăng lên khi sờ tay vào. Thỉnh thoảng phần giữa ngực xuất hiện cảm giác như bị đè nén nên rất khó thở. Ngoài ra, em không sốt, không mệt, cũng chẳng ho hắng sổ mũi gì cả. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không ạ? Em xin cảm ơn! (hens2...@gmail.com).

Ăn ngủ không yên vì bị đau sâu dưới cổ họng  2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đang phải đối mặt với chứng "khó nuốt". Đây là cảm giác “dính” hoặc cản trở thức ăn, nước uống đi qua miệng, hầu hay thực quản.

Động tác nuốt bắt đầu bằng giai đoạn tự ý, lưỡi co lại, đẩy thức ăn vào hầu. Tiếp theo thức ăn kích thích các thụ thể cảm giác ở miệng hầu, khởi sự giai đoạn tự động hay phản xạ nuốt.


Phản xạ nuốt là một chuỗi các sự kiện phức tạp, có vai trò đẩy thức ăn đi qua hầu và thực quản, ngăn không cho thức ăn đi vào đường dẫn khí.

Hiện tượng khó nuốt được chia làm 2 loại dựa theo nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:

- Khó nuốt cơ học: thức ăn quá lớn, thực quản hẹp do nguyên nhân nội tại hay chèn ép từ bên ngoài.

Ở người lớn, đường kính thực quản có thể giãn ra đến 4cm, nếu thực quản không thể giãn ra hơn 2,5cm thì khó nuốt xảy ra với thức ăn đặc bình thường. Khó nuốt thường xuyên khi thực quản không giãn ra được hơn 1,3cm.

Trường hợp tổn thương ảnh hưởng đến toàn bộ chu vi thành thực quản sẽ gây khó nuốt thường xuyên hơn là tổn thương chỉ liên quan đến một phần của chu vi, vì các đoạn còn nguyên vẹn vẫn giữ được khả năng co giãn.

Các bệnh lý liên quan bao gồm: viêm miệng, hầu, thực quản; đai vòng hầu, thực quản bẩm sinh, vòng niêm mạc thực quản dưới; hẹp lành tính do loét, sau phẫu thuật, xạ trị; bướu ác tính, bướu lành tính các loại; cứng khớp đốt sống, gai cột sống...

- Khó nuốt vận động: Có thể là hậu quả của khởi sự nuốt khó khăn hay bất thường trong nhu động và ức chế do nuốt trong các bệnh của cơ vân hay cơ trơn thực quản.

Các bệnh lý liên quan thường gặp là: liệt hầu, phình cơ nhẫn hầu, xơ cứng bì thực quản, phình thực quản, co thắt thực quản lan tỏa và các rối loạn vận động có liên quan khác.

Điều trị khó nuốt chủ yếu là loại trừ nguyên nhân gây khó nuốt. Cần kết hợp giữa:

- Phương pháp nội khoa: là dùng thuốc điều hòa hệ thần kinh thực vật giải quyết các rối loạn vận động thực quản, bảo đảm phản xạ nuốt diễn ra bình thường.

- Điều trị khỏi các trường hợp viêm loét từ miệng đến thực quản; bệnh gây chèn ép từ bên ngoài như bướu giáp trạng, u tụy, áp-xe sau hầu...

- Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ các khối u (nếu có) trong lòng thực quản hoặc các khối u từ bên ngoài chèn ép vào thực quản như u tuyến giáp, u tụy, u trung thất...

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chuẩn đoán cũng như chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Ăn ngủ không yên vì bị đau sâu dưới cổ họng  3
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày