Sự thực thiếu nguồn tuyển khiến nhiều trường để điểm sàn lẹt đẹt

Nghiêm Huê, Theo Tiền Phong 14:04 22/07/2019
Chia sẻ

Điểm sàn do các trường tự chủ quyết định, nhiều trường lo thiếu nguồn tuyển nên để điểm sàn rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, theo quy định của pháp luật, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin (https://thituyensinh.vn) của Bộ để thanh kiểm tra và xã hội giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường. 

Sau khi thí sinh trúng tuyển, các trường phải cập nhật danh sách nhập học lên CSDL tuyển sinh để thống kê và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện xét tuyển. Quy trình trên hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình xác định và thực hiện điểm sàn của các trường.

Cổng thông tin https://thituyensinh.vn cũng công khai các thông tin về điểm sàn của các trường để dư luận XH, các phụ huynh, thí sinh, đối tác, người sử dụng lao động… đánh giá, cân nhắc việc có nên đóng tiền và tốn kém thời gian để theo học 1 trường chất lượng thấp hoặc thiết lập quan hệ đối tác với những trường chất lượng thấp hay không…

Thực tế, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, Bộ Giáo dục đã có trao đổi với lãnh đạo nhà trường những thông tin chung về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển… để khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Nếu xác định điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống.

Năm nay, đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.

"Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo của các trường này để đưa ra những khuyến cáo kịp thời" - Bà Phụng nói.

Theo bà Phụng, nguồn tuyển chỉ là một trong những tiêu chí để tham khảo để xác định điểm sàn. Trường nào có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển thì có thể nâng điểm sàn lên đến mức cao hơn. Nhưng không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn. Không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, hay nói cách khác là chúng ta không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, nhất là trong điều kiện hiện nay, nguồn để tuyển dụng giáo viên và cán bộ y tế không thiếu. 

Bài toán thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực, cấp học. Các Sở GD&ĐT hoàn toàn có thể thu hút, tuyển dụng giáo viên ở những nơi khác (dôi dư). Vì vậy, mặc dù năm trước, ngành sư phạm tuyển được không nhiều nhưng năm nay, Hội đồng điểm sàn vẫn thống nhất quyết định điểm sàn của hai nhóm ngành này từ 18-21 cho trình độ ĐH, phù hợp với mặt bằng chung của điểm thi năm nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ y tế.

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, đầu vào không quyết định tất cả nhưng là khâu rất quan trọng để đảm bảo đầu ra. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đầu vào mà bỏ quên đầu tư các điều kiện để đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo thì đầu ra cũng có thể chưa tốt; việc đánh giá năng lực đầu ra nếu không làm tốt thì sinh viên cũng không có đủ năng lực để tốt nghiệp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày