01
Vợ chồng anh chị cưới nhau đến nay cũng ngót 10 năm, trước đó có đến 6 năm chung sống mà chưa làm đám cưới. Vậy nên nếu nói là hiểu thì cũng không hẳn hiểu hết nhưng chắc cũng được đến 8-90%.
Thời gian đầu hôn nhân anh chị đi thuê trọ, bao gánh nặng nhưng vẫn vui, vẫn hạnh phúc. Cho đến khi chị sinh bé thứ 2, kinh tế không đủ trang trải anh có đề xuất hãy để anh đi làm xa.
Lúc đầu chị đâu có muốn, nhưng mỗi lúc con ốm là tiền bỉm sữa, tiền viện phí, đủ các loại chung quy đều là cần tiền. Vậy nên chị cắn răng xa chồng.
Cảnh xa chồng ôm con trong phòng trọ đúng là có tả cũng không thể rõ nét. Nhưng được cái anh rất chịu khó tăng ca, anh bảo làm thế vừa tăng thu nhập lại bớt nhớ vợ con. Và đúng như những gì anh nói, số tiền anh gửi về cho vợ càng ngày càng nhiều.
Tranh minh họa
Chị còn động viên anh: “Thế này là đủ ăn đủ tiêu rồi, anh về đi đừng cố nữa” . Nhưng anh chỉ đáp ngắn gọn: “ Còn sức thì phải cày”. Đã bao lần chị nghe nói anh có nhân tình, bồ nhí nhưng chị cũng mặc kệ. Vì chị nghĩ, xa vợ lâu năm thế khó mà kìm lòng, “mắt không thấy tim không đau”.
Thấm thoắt 5 năm anh đi xa trở về. Anh bàn với chị mở nhà xưởng. Chị cũng mừng cho anh. Chị mơ về 1 tương lai tươi sáng, chị làm bà chủ, hỗ trợ anh trong công việc.
02
Không hiểu sao, bao ngày xa cách mà từ hôm anh về, chị chẳng vui nổi. Anh như 1 con người khác, cũng chẳng thiết tha gì vợ con. Thậm chí, nhìn nhà hàng xóm cãi nhau chị còn thèm.
2 đứa con 1 mình chị nuôi nấng, chắc hẳn anh không bao giờ để chị thiệt.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Anh nói ngành này phải vào Nam mới phát triển. Anh bảo chị cứ ở Hà Nội, nhà đã mua rồi không nên chuyển đi. Mình anh “gánh vác” gia đình là đủ rồi.
Lần thứ 2 chị buộc phải xa chồng. Nhìn thì có vẻ không khác lần 1, cùng là vì công việc, mưu sinh. Nhưng thực ra, xâu chuỗi lại chị mới thấy: Muốn thì tìm cách, không muốn người ta tìm lý do.
Thứ anh cần không phải là vợ con mà là sự tự do được ẩn mình qua mục đích cao cả vì gia đình. Cho đến khi 2 anh chị cãi nhau to, chị nói mình không cần sang giàu chỉ cần gia đình đủ đầy thì anh to tiếng: “Em không cần nhưng anh cần. Ngày trước cũng vì bố mẹ em chê anh nghèo, coi khinh anh, giờ anh phải chứng minh cho tất cả thấy, anh thừa sức giàu… Tự do thế này em không thích à, anh cho em đầy đủ sung túc, đi đâu làm gì anh không quản mà giờ em cản sự nghiệp của anh?”.
Chị ngã khụy xuống. Chị thấy suy nghĩ của anh thật đáng sợ. Tất cả những hình ảnh, tin nhắn mà người khác gửi cho chị dần dần hiện lên như 1 cuốn phim. Rõ ràng anh phản bội vợ nhưng chị luôn tìm lý do để bao biện, lấp liếm cho anh. Vì chị quá yêu hay vì từ lâu chị đã đánh mất chính mình, sợ mất chồng hay sợ mất 1 chỗ dựa?
Tranh minh họa
03
Vậy câu hỏi đặt ra: Có phải cứ cho nhau tự do là sẽ hạn chế xung đột? Hay đồ hỏng thì nên sửa đến khi nào được thì thôi chứ đừng vứt đi?
Phụ nữ hay truyền tai nhau kinh nghiệm "giữ lửa", giữ chồng, giữ tổ ấm và giữ bố cho con mình. Thế nhưng đôi khi họ lại máy móc trong việc nhận định vấn đề, bởi cây nhà hàng xóm nở hoa nhưng mang về nhà mình trồng chắc gì đã tươi tốt.
Kìm kẹp thì ngột ngạt, tự do quá lại nhạt nhẽo, vậy thế nào mới là tốt cho 1 cuộc hôn nhân? Cái gì cũng nên ở 1 mức độ vừa phải, xa mặt quá lại cách lòng. Vợ chồng không gần nhau, không có sự chia sẻ, giãi bày, đến 1 cuộc cãi nhau trực tiếp có khi cũng trở nên xa xỉ thì các vấn đề sao có thể giải quyết triệt để?
Có ai đã từng vật lộn dùng mọi cách để sửa chữa cuộc hôn nhân của mình nhưng cuối cùng vẫn ôm về tay trắng? Ranh giới giữa cố gắng và cố chấp đôi khi cũng mỏng manh lắm. Có yêu mấy, nuối tiếc mấy chúng ta cũng cần soi chiếu vào thực tế. Nếu sửa mà nó cứ hỏng mãi thì sửa để làm gì? Giữ lại 1 món đồ chằng chịt những vết vá sao?
Hôn nhân cũng vậy, chỉ cần 2 người trong cuộc đã từng cố gắng, từng tan nhưng tìm cách hợp để rồi có câu trả lời cho riêng mình thì chẳng còn gì phải hối hận nữa. Ở lại hay bước tiếp đều là sự lựa chọn. Hôn nhân đã đi đến kết thúc thì chẳng có ai là chiến thắng cả, có chăng chỉ là họ đã chiến thắng chính mình, thỏa hiệp văn minh để cho nhau con đường mới, hạnh phúc mới...