Hổ là một loài vật hùng mạnh trong tự nhiên, được mệnh danh là "chúa tể muôn loài", một vị vua thực sự của chốn sơn lâm u tịch.
Trong văn hóa của loài người, hổ tượng trưng cho sự kiêu hãnh, lòng dũng cảm cùng sức mạnh tuyệt đối. Nhưng nếu là hổ trắng - hay bạch hổ, sự ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn thế. Như với người Trung Quốc, hổ trắng là một trong "tứ tượng" của thiên văn học, được áp dụng rộng trong phong thủy, triết học, và cả thuyết âm dương.
Nhìn chung, có thể nói những con hổ trắng từ lâu đã là một biểu tượng huyền thoại quý giá của nhân loại. Nhưng có lẽ, ít người biết rằng sinh vật đẹp đến sững sờ ấy không phải lúc nào cũng là đứa con của tạo hóa, mà thực chất lại là sản phẩm của một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận do chính con người đạo diễn.
Nhiều người cho rằng hổ trắng là một nhánh hổ riêng, được tiến hóa để sinh tồn tại vùng Siberia đầy băng tuyết. Nhưng không phải vậy! Những con hổ màu trắng trên thế giới hiện nay đều là hổ Bengal, với kích cỡ và khả năng phát triển giống hệt như hổ Bengal bình thường. Chỉ khác là chúng màu trắng, và hiếm, vậy thôi!
Hiếm, nhưng chính xác hơn thì phải gọi là cực kỳ hiếm, bởi xác suất bạn bắt gặp một con hổ trắng ngoài tự nhiên gần như bằng 0. Con hổ trắng gần nhất được ghi nhận ngoài tự nhiên là từ tận năm 1951, có tên Mohan, bị bắt tại thành phố Rewa (Ấn Độ). Nó phải sống phần đời còn lại trong cũi sắt, trở thành công cụ nhân giống chọn lọc cực kỳ nghiêm ngặt, để giúp cho những ông chủ của nó kiếm lời.
Hổ trắng trong tưởng tượng và thực tế
Nghiêm ngặt là như thế nào? Trước tiên, cần biết rằng màu trắng của những con hổ này không phải do bạch tạng, mà từ một loại gene đột biến khiến cho các tế bào sắc tố đỏ và vàng không thể sản sinh. Lông của chúng vì thế khi mọc ra sẽ có màu trắng, thay vì đỏ cam như bình thường.
Đột biến này là gene lặn và cũng cực kỳ hiếm, đòi hỏi cả hổ bố lẫn mẹ phải có nó để di truyền cho đời sau. Và cũng vì nó quá hiếm, người nuôi thường cố tình cho những con hổ giao phối cận huyết để làm tăng khả năng cho hổ trắng xuất hiện.
Khỏi phải nói, đây thực sự là một tối kiến. Giống như xác suất thống kê, giao phối cận huyết không chỉ làm tăng khả năng xuất hiện gene hiếm, mà các tính trạng lặn gây nguy hại cho sức khỏe cũng sẽ lộ diện. Các thế hệ hổ trắng ra đời với một loạt vấn đề nghiêm trọng, từ biến dạng tim, hở hàm, chân cong, mắt mờ, thậm chí hộp sọ cũng không phát triển được như hổ thường.
Nếu bạn vẫn chưa tin, thì hình ảnh dưới đây chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Đó là Kenny - chú hổ trắng mắc chứng trí tuệ chậm phát triển (giống như chứng Down ở con người), và nguyên nhân hoàn toàn đến từ việc giao phối cận huyết trong quá nhiều đời. Kenny chết khi mới 10 tuổi, chưa bằng 1/2 tuổi thọ của loài hổ trong môi trường nuôi nhốt.
Thập niên 1990, hàng triệu người trên thế giới đã phải ngỡ ngàng khi được chứng kiến những con hổ trắng trong show diễn ảo thuật của Siegfried và Roy tại Las Vegas. Người ta cảm thấy thích thú, nhưng chẳng ai biết được rằng bộ đôi này sở hữu nguyên một trại nhân giống hổ trắng. Thậm chí, họ còn là những người tiên phong khi gây giống được những con hổ trắng không có sọc vằn hết sức độc đáo.
Đáng buồn thay, càng nổi tiếng, hổ trắng càng trở thành con ngỗng đẻ trứng vàng cho những kẻ nhân giống bất nhân.
"Các chủ nuôi cho biết họ lợi dụng sự nổi tiếng của những con hổ trắng để gia tăng doanh thu cho sở thú và rạp xiếc," - trích lời tiến sĩ Tilson, nhà bảo tồn học cho biết. Tuy nhiên "nếu bảo họ đang cứu loài hổ, thì đó là lời nói dối trắng trợn. Họ không cứu hổ, mà là biến chúng thành một cái mỏ vàng" - nhà khoa học chua chát nói thêm.
May mắn thay, mọi chuyện lúc này đã dần thay đổi. Trong thập kỷ vừa qua, Hiệp hội động vật Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm nhân giống hổ trắng và sư tử trắng trong các sở thú. Công chúng hiện cũng đã nhận thức tốt hơn về câu chuyện nuôi nhốt động vật hoang dã, và may mắn đây cũng chính là yếu tố có tầm ảnh hưởng nhất. Thay đổi đang, và sẽ xảy ra.