Sự thật đằng sau vụ kiện SM - JYJ: Bản "hợp đồng nô lệ" thực chất chưa từng tồn tại?

Hiccup, Theo Trí Thức Trẻ 16:17 12/03/2017
Chia sẻ

Những thông tin mới nhất về vụ kiện tụng đình đám nhất nhì làng giải trí của JYJ và SM Entertainment đang khiến cư dân mạng xôn xao.

Đã 8 năm kể từ khi nhóm nhạc nam JYJ - lúc đó vẫn là 3 thành viên Jaejoong, Junsu và Yoochun thuộc nhóm nhạc huyền thoại DBSK - chính thức đệ đơn kiện công ty chủ quản SM Entertainment. Mặc dù hai bên đã chấm dứt kiện tụng và đi tới hòa giải vào năm 2012, song mới đây, những công bố mới nhất về chi tiết vụ kiện mới được đưa ra ánh sáng, gây xôn xao cộng đồng mạng.

Vào năm 2015, Hàn Quốc đã thông qua một bộ luật, cho phép công dân được yêu cầu cung cấp công khai hồ sơ của các vụ án dân sự bất kỳ. Một trang web thuộc cộng đồng fan của nhóm DBSK (TVXQTime.com) đã yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ của vụ kiện JYJ – SM, và đã công khai toàn bộ nội dung trên trang chủ.

Bản "hợp đồng nô lệ" là không có thật?

Sự thật đằng sau vụ kiện SM - JYJ: Bản hợp đồng nô lệ thực chất chưa từng tồn tại? - Ảnh 1.

Nhóm JYJ

Vào năm 2009, ba thành viên Jaejoong, Junsu và Yoochun (hiện tại là nhóm JYJ) của nhóm nhạc đình đám DBSK khi ấy đã gây rúng động dư luận khi đệ đơn kiện công ty chủ quản SM Entertainment, nhằm chấm dứt bản hợp đồng được các thành viên này khẳng định là bất công và mang tính chất nô lệ với công ty. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án lại chứng minh một điều ngược lại.

Cụ thể, vụ kiện đã đi đến hồi kết với phán quyết từ Tòa án rằng SM Entertainment cần bồi thường cho các thành viên JYJ một khoản tiền là 650 triệu won (gần 13 tỷ đồng), cũng chính là khoản thu nhập trong năm 2009 mà ba thành viên vẫn chưa được SM thanh toán do khi đó đang trong thời gian tranh tụng với công ty.

Điều đáng nói là, đây là khoản tiền duy nhất mà Tòa án yêu cầu SM Entertainment phải bồi thường cho JYJ. Toàn bộ những cáo buộc của nhóm liên quan tới hợp đồng nô lệ, hay tỷ lệ phân chia thu nhập bất công với số tiền đòi bồi thường lên tới khoảng 4,3 tỷ won (khoảng 85 tỷ đồng) đều không được Tòa án thông qua. Điều này chứng tỏ, pháp luật đã phán quyết rằng hợp đồng giữa JYJ và SM không mang tính chất nô lệ, bất hợp pháp.

Các điều khoản hợp đồng của SM không được coi là bất công

Thời hạn hợp đồng nô lệ là do chính thành viên DBSK yêu cầu

Hiệu lực hợp đồng kéo dài 13 năm từng là một trong những lý do chính được JYJ đưa ra để chứng minh cho cáo buộc hợp đồng nô lệ. Tuy nhiên, thời hạn hợp đồng này lại chính là yêu cầu từ phía các thành viên DBSK chứ không phải do SM Entertainment đơn phương quyết định. Do tại thời điểm đó, có tin đồn thành viên Jaejoong sẽ bị thay thế khỏi nhóm, nên chính DBSK và gia đình đã đề nghị kéo dài hợp đồng (ban đầu là 10 năm) lên 13 năm để đề phòng việc này.

Sự thật đằng sau vụ kiện SM - JYJ: Bản hợp đồng nô lệ thực chất chưa từng tồn tại? - Ảnh 2.

Các thành viên DBSK mới chính là những người đề nghị kéo dài thời hạn hợp đồng

Sự thật về tỉ lệ phân chia thu nhập

Sự thật đằng sau vụ kiện SM - JYJ: Bản hợp đồng nô lệ thực chất chưa từng tồn tại? - Ảnh 3.

Tòa án cũng không công nhận cáo buộc của JYJ về việc SM có tỷ lệ phân chia thu nhập bất công. Cụ thể, các thành viên được phân chia thu nhập từ sản phẩm âm nhạc của mình không phải theo lợi nhuận mà theo doanh thu - tức là chưa hề khấu trừ các khoản chi phí đầu tư mà SM phải tiêu tốn vào các sản phẩm này.

Ngoài ra, "ông trùm" SM cũng có những khoản thưởng lớn dành cho nhóm khi doanh thu bán đĩa đạt trên 500 nghìn hay 1 triệu bản. Đối với các hoạt động tại nước ngoài, DBSK được chia tới 70% lợi nhuận thu được, còn công ty nhận về 30%. Những điều khoản này đã khiến Tòa án đưa ra phán quyết rằng hợp đồng của SM ký kết với các thành viên DBSK không mang tính chất nô lệ.

Không tìm ra bằng chứng cho thấy SM Entertainment "chơi xấu" JYJ

Đã có vô số tin đồn cho rằng ông lớn SM đã dùng tiền và quyền lực để ngăn các đài truyền hình làm việc với JYJ, nhằm phá hoại sự nghiệp của họ sau khi rời công ty. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn của các đài truyền hình đã tiết lộ rằng chính công ty của JYJ mới là những người thờ ơ với hoạt động của gà nhà, khi họ không hề lên tiếng đàm phán hay thỏa thuận để JYJ được xuất hiện trên truyền hình. Một đạo diễn cũng cho biết, khi ông có ý định mời JYJ tham gia một chương trình radio của đài, ông không hề gặp phải bất kỳ sự cấm đoán hay nhắc nhở nào từ cấp trên.

Sự thật đằng sau vụ kiện SM - JYJ: Bản hợp đồng nô lệ thực chất chưa từng tồn tại? - Ảnh 4.

Cư dân mạng hiện đang xôn xao và chia làm nhiều luồng dư luận trước những thông tin này

Hiện tại, những tiết lộ mới về vụ kiện giữa JYJ và SM Entertainment đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số cư dân mạng lập tức "tin sái cổ", nhiều người hâm mộ vẫn cho rằng tất cả những kết luận trên đều chỉ mang tính chất suy diễn từ những phán quyết của Tòa án, và thiếu tính pháp lý, chặt chẽ.

Nguồn: Allkpop

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày