Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Cardiff đã có thể theo dõi chuyển động của các mảng kiến tạo trong thời gian thực, kết hợp công nghệ như microphone dưới nước với trí tuệ nhân tạo (AI). Các chuyên gia đã sử dụng bản ghi âm để phát hiện 200 trận động đất ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tiến sĩ Usama Kadri, đồng tác giả của nghiên cứu và là giảng viên cao cấp về Toán ứng dụng tại Đại học Cardiff, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh làm thế nào để có được thông tin nhanh chóng và đáng tin cậy về quy mô của sóng thần bằng cách theo dõi sóng trọng lực âm thanh.
(Chúng) di chuyển trong nước nhanh hơn nhiều so với sóng thần, giúp có nhiều thời gian hơn để sơ tán các địa điểm trước khi (sóng thần) đổ bộ".
Hệ thống AI, kết hợp với công nghệ âm thanh, có thể phát hiện tâm chấn của chuyển động kiến tạo và dự đoán nơi cần sơ tán. (Ảnh: Sky News)
Sóng trọng lực âm thanh là sóng âm thanh di chuyển trong đại dương sâu thẳm với tốc độ âm thanh. Chúng có thể được tạo ra bởi các trận động đất, vụ nổ và sạt lở đất dưới nước, tất cả đều có thể gây ra sóng thần.
Hệ thống mới sử dụng microphone dưới nước, hoặc hydrophone, các bản ghi âm và một "mô hình tính toán" để lập lưới tam giác (để đo đạc) nguồn gốc của sự kiện kiến tạo, thậm chí cách xa hàng nghìn km.
Các hệ thống cảnh báo hiện tại dựa vào sóng tác động đến phao biển và cảm biến địa chấn để kích hoạt cảnh báo sóng thần. Với hệ thống này, người dân có ít thời gian để sơ tán hơn, trong tình huống mà thêm vài phút nữa có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Tuy nhiên, chúng không phải lúc nào cũng chính xác trong việc dự đoán mối nguy hiểm do sóng thần gây ra.