Sự dễ dãi của TikTok và nỗi ám ảnh của phụ huynh khi con phát cuồng vì được "biến hình"

Minh Ngọc, Theo Tổ quốc 14:47 10/04/2023
Chia sẻ

TikTok với các ứng dụng của nó có thể nhái giọng, "biến hình" người này thành người khác, khiến trẻ em thích thú nhưng theo phụ huynh, hệ lụy của nó thì khôn lường.

Trao đổi với PV, TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, không phủ nhận mặt tích cực của các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tuy nhiên cũng phát sinh không ít tiêu cực trong đó TikTok đã làm điên đảo giới trẻ, chứa đựng nhiều thông tin độc hại.

Sự dễ dãi của TikTok và nỗi ám ảnh của phụ huynh khi con phát cuồng vì được biến hình - Ảnh 1.

Rất dễ "trở thành người khác" sau một thao tác (Ảnh chụp màn hình TikTok)

Theo TS Cường, lợi dụng nền tảng TikTok, giới trẻ và một số bộ phận khác có thể biến mình thành "một con người khác", điều này đôi khi nhảm nhí, mất thời gian. Thậm chí các loại nội dung khuyến khích các loại hành xử sai trái, cổ vũ tán thưởng sai lệch, "ngáo mạng" cũng xuất hiện không ít.

Thông qua nền tảng mạng xã hội, nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh nhân vật nổi tiếng, nhái giọng nói để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây phiền toái cho các thành phần khác…

Nói về độ phổ biến của ứng dụng chứa nhiều nội dung độc hại này, Chuyên gia Công nghệ thông tin Đặng Trường Lâm (Công ty CP Công nghệ & Giải pháp Tâm Việt) cho hay, theo số liệu từ Hootsuite, cứ mỗi giây trôi qua TikTok lại có thêm 8 người dùng mới, trung bình 650.000 người dùng mới tham gia hàng ngày. Đây là tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, khi Facebook và YouTube mất đến khoảng 8 năm để đạt 1 tỷ người dùng, TikTok chỉ cần 5 năm.

Trong số hàng tỷ người dùng các nền tảng MXH bao gồm TikTok có rất đông những người trẻ. Theo Chuyên gia Đặng Trường Lâm, những người trẻ nằm trong khoảng từ 18-34 tuổi hiện đang sử dụng tới 8 nền tảng mỗi tháng. Đây là con số đáng lo ngại, dưới góc độ các phụ huynh trong bối cảnh nội dung độc hại không hề hiếm trên các nền tảng này và trên TikTok nói riêng.

Đau đầu vì con "nghiện TikTok"

Chị Trần Thị Loan (Giáo viên tiểu học ở Ninh Bình) có con trai 6 tuổi đang trong tâm trạng lo lắng như thế. Con chị năm nay vào lớp 1, nhưng trước đó 1 năm bé đã sử dụng smartphone rất thành thạo - điều mà nhiều người lớn có khi còn mất nhiều thời gian hơn để làm được. Nhưng mừng thì ít, lo nhiều hơn. Mỗi khi bé quấy khóc, như một cách để dỗ dành, chị Loan cho con dùng điện thoại. Dần dà, cứ hễ con khóc là mẹ phải cho chơi điện thoại.

Sự dễ dãi của TikTok và nỗi ám ảnh của phụ huynh khi con phát cuồng vì được biến hình - Ảnh 2.

Hầu hết trẻ từ tiểu học đã biết về TikTok (Ảnh minh họa)

"Từ hồi đầu năm nay, vợ chồng tôi phát hiện con trai nghiện TikTok vì giật mình thấy trong bộ nhớ toàn là những hình 'tự sướng' của con với những hình ảnh lồng ghép (sử dụng filter trên TikTok-PV), mà đôi khi vô cùng quái dị", chị Loan cho biết. Chị Loan cho biết thêm trong số đó có không ít những hình ảnh mà vợ chồng chị cho là nhạy cảm, đến mức chị không muốn tả lại.

Theo chị Loan, mỗi khi con quấy khóc, nghĩ cho con chơi điện thoại để cháu ngoan hơn, nhưng không nghĩ TikTok lại có các đoạn clip và nhiều nội dung như "cuốn" lấy trẻ, khiến trẻ lơ đãng luôn việc học hành và có thời điểm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc điện thoại.

Còn anh Trần Trọng Ân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, chính các clip ở dạng ngắn gọn chỉ 1-3 phút là điểm thu hút khiến ứng dụng này phổ biến nhanh chóng đến vậy.

"Bọn trẻ không phải mất nhiều thời gian nhưng đã nắm bắt được nội dung tóm tắt đầy đủ trong vòng 3 phút và cực kỳ gây nghiện. Nhưng đáng nói nhất là một số nội dung không thể chấp nhận, ứng dụng này có các tính năng lồng ghép quá hiện đại và dễ sử dụng, nó có thể làm nhái giọng người khác, thậm chí ghép người ta vào các hình ảnh nhạy cảm", anh Ân bày tỏ điều mà anh lo ngại nhất.

Những đoạn clip ngắn này có thể khiến trẻ dần không còn quan tâm tới các nội dung đầy đủ, hoàn thiện khác, mang tính giáo dục cao hơn khi chỉ cần vài phút là gần như biết hết nội dung một bộ phim, một cuốn sách... Nhưng tất nhiên, các clip này chỉ điểm qua các nội dung chính của những bộ phim, cuốn sách đó và các nội dung này mang định hướng cá nhân của người sáng tạo nội dung, vì thế tính đúng - sai, phải - trái lúc này không thể kiểm chứng nổi. Anh Ân cho biết đang tìm cách hạn chế thời gian con mình sử dụng điện thoại.

Căng thẳng hơn, Anh Trịnh Trọng Trinh (ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết bản thân đã phải dùng biện pháp cứng rắn với con khi thấy những ảnh hưởng tiêu cực nhãn tiền.

"Tôi đã phải tịch thu điện thoại của con gái dù đã đến tuổi được phép dùng, tôi cấm tuyệt đối không được sử dụng TikTok vì nửa đêm vẫn thức, uốn éo trước cái điện thoại quay clip ghép hình bằng ứng dụng TikTok rồi đăng lên Facebook. Vấn đề ở đây là phần mềm này quá dễ sử dụng, tự do đăng những tấm hình phản cảm dù một số phần mềm khác tự sàng lọc bằng thuật toán", anh Trinh chia sẻ.

Sự dễ dãi của TikTok và nỗi ám ảnh của phụ huynh khi con phát cuồng vì được biến hình - Ảnh 3.

Dù phải nằm viện nhưng nhiều bệnh nhân nhi vẫn không thể bỏ qua chiếc điện thoại thông minh

TikTok quá dễ dãi

Chuyên gia Công nghệ thông tin Vũ Mạnh Cường (Công ty CP Công nghệ SID) cho hay; hầu hết các phần mềm đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật và có chế tài riêng.

"Chẳng hạn phần mềm F, nếu bạn tải ảnh trẻ em thì ngay lập tức thuật toán nhận ra và loại bỏ hoặc cảnh báo bạn đã vi phạm. Còn TikTok rất dễ dãi, thậm chí nhiều nội dung độc hại hơn nữa vẫn xuất hiện, trong khi đó với chức năng này không khó đối với các nhà cung cấp dịch vụ.

Không nên phủ nhận những gì TikTok đã và đang làm. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Đối với trẻ em, bố mẹ cần sát sao quản lý việc sử dụng mạng xã hội của con. Đối với TikTok cũng cần có thuật toán để lọc nội dung đối với tài khoản là trẻ em và những vấn đề trái với thuần phong mỹ tục", chuyên gia Mạnh Cường bày tỏ.

Là một TikToker khá nổi, thu nhập khủng nhờ ứng dụng này, Trần Thành Long - hiện đang sống chung với nhóm bạn ở một căn hộ chung cư chuyên làm các đoạn clip quảng cáo cho nhiều nhãn hàng cũng có chia sẻ về sự "dễ dãi" của ứng dụng này.

"Từ khi xuất hiện TikTok, nó giúp cho thế hệ trẻ chúng em kiếm tiền dễ dàng, bởi vì ứng dụng dễ dùng, do đã nổi tiếng rồi nên quảng cáo bằng phần mềm này hiệu quả về view, các tính năng của nó cũng rất thông minh", theo Long, làm clip quảng cáo bằng phần mềm TikTok rất dễ và gần như không bị hạn chế điều kiện gì.

Sự dễ dãi của TikTok và nỗi ám ảnh của phụ huynh khi con phát cuồng vì được biến hình - Ảnh 4.

Rất dễ để đăng tải một đoạn clip mà không cần điều kiện gì bắt buộc

Bộ TT&TT chỉ ra 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam

Chiều 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết: "Sau một thời gian phát triển đến cực thịnh của nền tảng mạng xã hội, giờ đây là thời cực thịnh của nền tảng video ngắn, mà TikTok là đại diện tiêu biểu".

Số liệu của DataReportal cho thấy tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Cùng với Facebook, Zalo, YouTube, đây hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên sau giai đoạn bùng nổ vài năm gần đây, nền tảng này đã liên tục vướng vào những lùm xùm với hàng loạt nội dung phản cảm, độc hại, thông tin sai sự thật hay truyền bá mê tín dị đoan.

Cục PTTH-TTĐT đã chỉ ra 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam như sau:

1. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm pháp luật

Theo ông Lê Quang Tự Do, mạng xã hội TikTok thời gian gần đây xuất hiện nhiều video chứa nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước.

Trong đó bao gồm cả những nội dung xuyên tạc lịch sử, văn hóa, Việt Nam. Một số người xuất hiện trong video "tự cho mình quyền nói lại, viết lại lịch sử", khiến rất nhiều người tin theo; cũng như ẩn chứa các nội dung mê tín dị đoan, hình ảnh hở hang, hạ thấp nhân phẩm con người Việt Nam.

2. Phát tán nội dung độc hại, phản cảm

Trước thực tế lượng thông tin ngày càng nhiều và trở nên bão hòa, người xem có xu hướng tiếp cận các nội dung ngắn, sinh động giống như cách thức mà TikTok sử dụng trong các video ngắn.

Tuy nhiên, để theo kịp thị hiếu của người dùng, TikTok đã sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

"Có những trend ở nước ngoài tạo thành xu hướng, khi lan vào Việt Nam, chúng tôi yêu cầu TikTok ngăn chặn, nhưng họ không thể, nên đã trở thành trend tại Việt Nam", ông Tự Do chia sẻ.

Trong số đó, có những trào lưu nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng như trend đưa các em bé đút đầu vào ống cống, nhảy xuống đường chạm đầu vào xe tải... khiến nhiều trẻ nhỏ ở Việt Nam học theo. "TikTok dường như bỏ qua, cảm thấy mình không có trách nhiệm ngăn chặn điều này", ông Tự Do kết luận.

3. Không có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng vi phạm pháp luật

Cũng theo Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, TikTok không cho thấy các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…

"Đầu năm 2023, TikTok bắt đầu phát triển mạnh quảng cáo, kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng của mình", ông Tự Do cho biết. "Tuy nhiên, rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo... xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng này".

4. Tạo trend thu lời từ nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa

Gần đây, trên TikTok xuất hiện những tài khoản được cộng đồng mạng tung hô là các "idol" (còn gọi là những thần tượng). Họ được hiểu là những người nổi tiếng, có nhiều lượt follow, nhờ nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem.

Tuy nhiên, thanh tra Bộ TT&TT phát hiện TikTok không có biện pháp quản lý hoạt động của các idol này, dẫn tới xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa... thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Từ thực tế rằng các idol TikTok có thể được người xem tặng quà, một phương thức kiếm tiền mới đã được hình thành trên mạng xã hội này, với việc hình ảnh/video càng sốc, hở, phản cảm... thì càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền.

"Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được", ông Tự Do chia sẻ.

5. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền

Dễ thấy trên TikTok, nhiều người dùng đã chia sẻ, lan truyền những đoạn hay nhất của một bộ phim, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng bản quyền phim ảnh, nhưng không hề bị xử lý.

6. Không có biện pháp quản lý người dùng

TikTok không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, riêng tư của người khác; tự ý quay/chụp rồi đăng lên TikTok tạo ra những thông tin gây tranh cãi, nhằm mục đích xúc phạm, bôi nhọ danh dự cho mục đích xấu; vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, riêng tư của mỗi người.

Theo ông Lê Quang Tự Do, những vi phạm kể trên của TikTok tại Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.

Một mặt, những hành động này khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

Mặt khác, những nội dung được lan truyền đã khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày