5 tháng sau khi gây cơn sốt dữ dội trên mạng, chàng trai
Omar với biệt danh
"trai đẹp bị trục xuất" đã có mặt tại Việt Nam và làm nhân vật chính trong một show biểu diễn hoành tráng được tổ chức tại SVĐ QK7 vào tối nay. Tuy nhiên, từ khi anh chàng có mặt tại Sài Gòn cách đây 2 ngày, dư luận đã bắt đầu râm ran thất vọng vì vẻ đẹp không được như mong đợi và tỏ ra thờ ơ với những hoạt động của
"trai đẹp bị trục xuất". Phải chăng khán giả Việt Nam
"cả thèm chóng chán" hay thực sự là chúng ta đang sống trong một thế giới mà giá trị ảo đã lấn át thực tế quá nhiều.
Câu chuyện về vẻ đẹp bị trục xuất là "bịa đặt"
Tờ báo Ả Rập đầu tiên đăng thông tin Omar bị trục xuất vì quá đẹp trai và cư dân mạng khắp nơi tin răm rắp vào thông tin này chính là 2 cây lao đầu tiên được phóng đi. Và khi mà chàng trai Omar vừa choáng ngợp với sự nổi tiếng đến nhanh chóng vừa share hàng trăm bài báo ở khắp các quốc gia trên Facebook của mình cũng chính là lúc anh chàng này phóng đi cây lao của mình.
Tất cả đều bị choáng ngợp và bay quá cao với thông tin độc đáo này nên đã không còn điểm dừng để quay lại. Cư dân mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vì đã lỡ ca ngợi quá xa vẻ đẹp... qua các bức ảnh của Omar mà gần như phớt lờ đến động tác tỉnh táo nhất lúc đó là xác minh lại thông tin có phải là anh chàng kia bị đuổi do quá đẹp trai hay không - việc mà thoạt nghe đã thấy vô lý.
Về phần Omar, 3 tháng sau khi thông tin này đầy rẫy trên mạng, anh chàng mới chậm rãi lên báo đính chính mình bị không bị trục xuất vì quá đẹp trai mà là do đi vào khu vực cấm tại một lễ hội ở Saudi Arabia. Phản ứng chậm trễ một cách cố ý của Omar cũng không được nhiều người để ý hoặc có thì họ cũng không muốn nhắc đến vì đã lỡ ca ngợi "trai đẹp bị trục xuất" quá nhiều nên giờ cũng không ai rãnh quay sang nhận mình đồn bậy bạ vì tiếp nhận thông tin hấp tấp.
Cứ như thế, tất cả đều "phóng lao" đi quá xa nên chả ai muốn dừng lại và cũng vì chuyện này cũng chả ảnh hưởng đến ai mà lại tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội để bàn tán, có tư liệu để "troll" nhau,... Ví dụ như có một thời gian, cư dân mạng Việt Nam dùng đi dùng lại cụm từ "bị trục xuất" để ám chỉ sự đẹp trai cho nên giờ mà sự thật này được đem ra bảo là "tin đồn nhảm" thì có lẽ nhiều người không dễ chịu để mà chấp nhận sự thật là từ đó tới giờ mình cũng toàn nói nhảm.
Ban tổ chức "tham thì thâm"
Cách đây vài tuần, thông tin "trai đẹp bị trục xuất" sang Việt Nam đã bắt đầu râm ran trong giới tổ chức sự kiện. Và thậm chí, có tin đồn rằng nhà tổ chức đã đi chào giá các nhà tài trợ cho sự kiện này lên đến con số 4 tỷ đồng cho gói tài trợ cao nhất - ngang ngửa với việc mời những nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng sang Việt Nam. Nếu đây là thông tin chính xác thì có lẽ nhà tổ chức đã quá tham lam khi nghĩ rằng mình đang sở hữu "kho vàng" để câu kéo tài trợ và sức hút có thể còn nổi bật hơn cả sao Hàn?
Những hình ảnh kém long lanh của Omar tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhóm fan lác đác cầm biển chào mừng sai chính tả cũng phần nào cho thấy đây là một canh bạc cầm chắc khả năng thất bại nếu xét về mặt truyền thông và "sự trở mặt" thường thấy của cư dân mạng Việt Nam. Hàng loạt những bình luận chê bai vẻ đẹp không như mong đợi của Omar đã xuất hiện khắp nơi.
Ngay cả sự kiện đêm đấu giá được trông chờ cũng trở nên tẻ nhạt hết sức khi chủ yếu chỉ có MC "trả giá" với BTC. Cuộc đấu giá không nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp đã phần nào phản ảnh được "giá trị" thực sự của sự kiện này. Những món đồ bán được nâng từ giá gốc thêm vài trăm nghìn, bỗng nhiên trở thành trò cười cho nhiều người khi đọc. Chiếc đồng hồ Casio G-Shock là vật phẩm đầu tiên với giá khởi điểm là 3.204.000 đồng, sau khi 3 lần trả giá thì chiếc đồng hồ mới bán được với giá 3.800.000 đồng. Chiếc điện thoại Nokia và máy chụp ảnh cũng có số phận "hẩm hiu" tương tự. May mắn hơn là chiếc mắt kính hiệu Police giá khởi điểm là 4.700.000 đồng "được" MC Huyền Ny mua với giá 10.000.000 đồng. Bữa ăn tối được đấu giá sau đó cũng thuộc về MC Huyền Ny 1 lần nữa. Từ đầu đến cuối, MC Huyền Ny vừa dẫn chương trình, vừa làm "hoạt náo viên" đấu giá, vừa ăn tối cùng "trai đẹp". Quả thực, cô đã rất vất vả để hoàn thành được vai trò của mình.
Tấm bảng chào mừng sai lỗi chính tả và nhóm fan lẻ tẻ khiến nhiều khán giả đánh giá đây là "màn kịch" vụng về từ phía BTC
Sau sự kiện đấu giá với MC là chính, dù ở lại Việt Nam nhưng thông tin về "trai đẹp" rất èo uột, khán giả Việt dường như cũng quên bẵng đi. Ban tổ chức cũng đã cảm thấy "chán ngán" trước việc "lăng xê" không thành công của mình?
Không tài năng, đêm nay Omar sẽ đọc thơ hay nhào lộn?
Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lớn nhất của mọi người vẫn là "Omar sẽ làm gì trong đêm diễn hoành tráng tại Việt Nam?". Một chàng người mẫu nghiệp dư không có khả năng đặc biệt được quảng cáo là nhân vật chính trong một đêm diễn mà các khách mời phụ đều có ít nhất một khả năng rõ ràng, vậy anh chàng sẽ làm gì trong đêm nay? Lên sân khấu để khoe vẻ đẹp của mình rồi thôi? Một số người thì dự đoán có thể anh có tài đọc thơ hoặc nhào lộn? Cái này thực sự chúng ta không thể đoán trước.
Một số nguồn tin cho biết một nam siêu mẫu nổi tiếng của Việt Nam đã hủy việc tham gia show diễn này vì cảm thấy quá phi lí khi bản thân được đem lên sân khấu để làm nền cho một anh chàng Ả Rập không có tài năng gì cả. Dư luận cũng đang chờ xem anh chàng này sẽ xuất hiện theo kiểu như thế nào trên sân khấu đêm 13/9 để không biến một đêm trình diễn nghệ thuật thành một màn tôn vinh... vẻ đẹp của một anh chàng vô năng.
Cái đẹp không có lỗi nhưng đem một nhân vật chỉ "đẹp" về Việt Nam để kinh doanh, để tôn vinh và tuyên bố là muốn mang cảm xúc mới mẻ đến cho khán giả Việt Nam là một việc làm lệch lạc. Việc mang "chàng trai kì diệu" Nick Vujicic về Việt Nam có giá trị hơn rất nhiều lần sự kiện trai đẹp lần này vì ít ra tấm gương của Nick còn có thể truyền cảm hứng đến cho giới trẻ Việt Nam về tinh thần vươn lên và nghị lực phi thường trong cuộc sống. Còn về sự kiện trai đẹp lần này, không biết bài học gì được rút ra cho giới trẻ Việt nhưng trước mắt có lẽ họ cũng ít nhiều bị tư tưởng "đẹp là có tất cả" ám ảnh.
Kết
Hằng năm khán giả Việt Nam đón rất nhiều những nhân vật nổi tiếng quốc tế ghé thăm và biểu diễn. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên một nhân vật được mời đến chỉ vì một lí do: đẹp! Đồng ý là giải trí thì chỉ quan tâm cảm xúc cuối cùng của khán giả có được khi một sự kiện được tổ chức. Tuy nhiên, với sự kiện trai đẹp lần này, có lẽ các nhà tổ chức cũng nên bắt đầu tập cho mình thói quen tỉnh táo vì khán giả không dễ bị lừa đến vậy. Những thứ đẹp đẽ, long lanh trên mạng thường lộ vẻ xấu xí ở ngoài đời thực.
Câu chuyện về sự kiện Lee Min Ho đến Việt Nam sẽ luôn là 1 bài học "nhãn tiền" cho các nhà tổ chức sự kiện. Trước sự kiện quảng cáo "rùm beng" đã bán được 500 vé, có khoảng 2.000 vé được đăng ký qua các fan site trong và ngoài nước. Thậm chí, sẽ không có chuyện bị lỗ giống như nhiều show ca nhạc khác. Nhưng sự thật cuối cùng là chỉ bán được 122 vé và con số 12 tỷ để mời Lee Min Ho sang Việt Nam là điều không tưởng.
Khán giả Việt có lẽ cũng đang ngày càng "tinh" hơn để biết đâu là chỗ đáng bỏ tiền và họ sẽ chi bao nhiêu tiền để nhận được thứ mà mình mong muốn.