Những scandal của showbiz Việt mang tên "truyền hình thực tế"

Hoàng Huỳnh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 28/02/2012
Chia sẻ

Không hiểu vô tình hay cố ý, các chương trình truyền hình ăn khách ở trong nước luôn “đồng hành” với scandal.

Đổ bộ “ngập lụt” trên các kênh truyền hình, những chương trình thực tế nổi tiếng của nước ngoài đã được Việt Nam mua bản quyền và Việt hóa ngày càng nhiều. Rất nhiều chương trình tạo được hiệu ứng với công chúng nhưng cùng với đó là những scandal không đáng có.

Sự bùng nổ của truyền hình thực tế

Thuật ngữ “chương trình truyền hình thực tế” đã không còn xa lạ với công chúng Việt Nam trong những năm gần đây. Ồ ạt các chương trình đình đám ở nước ngoài được Việt hóa như Vietnam Idol (Pop Idol), Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the star), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Vietnam’s Got Talent (Got Talent), Vietnam’s Next Top Model (American’s Next Top Model) đã trở thành những chương trình thu hút sự chú ý khá đông của công chúng. Mang tính chất mới, lạ… bước đầu gây được sự quan tâm từ phía người xem và tạo được hiệu ứng vượt trội. Tuy nhiên, có lẽ những show này sẽ mất đi tính hấp dẫn và không tạo được hiệu ứng nếu không có những ồn ào phía hậu trường. Dần dần scandal trở thành công thức tất yếu cho các show truyền hình nếu muốn có được sự thành công.



Ồn ào từ giám khảo và thí sinh

Liên tục những ầm ĩ liên quan đến các nhân vật quan trọng của show truyền hình đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Việc những giám khảo, thí sinh “gây hấn”, nói xấu nhau đã không còn xa lạ… Vietnam Idol 2010 rất được yêu thích, thậm chí là được quan tâm chú ý hơn hẳn 2 mùa giải trước đó. Theo nhiều người nhận xét thì nhờ vào việc “được mùa” với vô số scandal, từ việc thí sinh Đức Anh “nặng lời” với các thí sinh khác cùng ban giám khảo, cho đến sự bất đồng trong nội bộ của thí sinh về việc Uyên Linh thể hiện thái độ không “đẹp”. Vấn đề những người “cầm cân, nảy mực” đã đồng ý cho thí sinh Đăng Khoa rời cuộc chơi nhường cho Uyên Linh được ở lại đã tạo nhiều ý kiến trái chiều, góp nhặt thêm “sạn” cho mùa giải này. 


Cặp đôi hoàn hảo, một chương trình mới cũng đã “mắc” phải những scandal ầm ĩ ngày trong mùa đầu tiên, với những tranh cãi “quá mức” của thí sinh và ban giám khảo. Hàng loạt những bài viết cùng sự phẫn nộ của dư luận khi hai “đối tượng” này chỉ trích nhau trên báo chí. Ca sĩ Minh Quân từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực cho phần phản đối nhận xét của giám khảo Lê Hoàng trong chương trình.


Là những nhân vật tạo nên sự thành công cho chương trình, thế nhưng những bất đồng giữa ban giám khảo và thí sinh đã không ngừng diễn ra. Vietnam’s Next Top Model mùa thứ 2, tạo được “điểm nhấn” bởi việc kiện tụng 15 tỷ đối với những thí sinh vi phạm quy chế của chương trình, rồi kéo theo những cuộc “khẩu chiến” ồ ạt của các giám khảo. Trong Bước nhảy hoàn vũ năm ngoái, giám khảo Khánh Thy được cho là có những “hiềm kích” với thí sinh Thủy Tiên cũng khiến dư luận xôn xao 1 thời gian.


Giám khảo Vietnam's Got Talent thì bị xem là "diễn" quá nhiều trong chương trình, nhiều thí sinh của cuộc thi này cũng bị "ném đá" một thời gian vì thể hiện sự tự tin quá đà.



Thí sinh thì đấu đá, nói xấu lẫn nhau như trong Vietnam Idol hay không tuân thủ quy định bảo mật của chương trình để lộ thông tin như Vietnam's Next Top Model... Giám khảo thì nói "hớ" như Siu Black trong Cặp đôi hoàn hảo, cãi nhau trên trang cá nhân như Đỗ Mạnh CườngHà Anh, thậm chí còn đối đầu với các thí sinh. Những điều đó cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức của các chương trình truyền hình thực tế, vô tình tạo ra rất nhiều ồn ào khiến các chương trình ngày càng mất điểm trong lòng khán giả.

Truyền hình thực tế và kịch bản được dàn dựng trước

Đã bảo là chương trình thực tế nhưng tại sao lại được dàn dựng trước? Phải chăng ban tổ chức của các chương trình này đang lừa gạt và xem thường khán giả. Có hay không việc này đã diễn ra, khi mà liên tục những bằng chứng liên quan đến “hoạt động” dàn dựng trước bị phát hiện. 

Lời nói vô tình: “Chọn áo đỏ….” của nữ giám khảo Siu Black trong Cặp đôi hoàn hảo đã khiến dư luận xôn xao về việc có sự sắp xếp kịch bản trước từ BTC chương trình.



Đăng Khoa của Vietnam Idol 2010 được nhắc nhiều khi bất ngờ tuyên bố ngừng cuộc chơi, những lời phát biểu đầy tâm trạng cùng với sự có mặt của đấng sinh thành đã vô tình khiến dư luận “đoán già đoán non” là được dựng sẵn. 

Sự việc của Quỳnh Anh Got Tanlent cũng “dập dìu” tranh luận của người xem, khi mà những thông tin về việc nhà sản xuất cố tình “làm méo” sự việc, gây sự chú ý cho chương trình. 


Mới đây, khán giả lại tiếp tục hoang mang khi một đoạn clip chung kết Vietnam’s Next Top Model 2011 được tung ra với nhiều điều “bất ổn”, tố cáo việc kết quả đã được sắp đặt trước. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ và dường như BTC cũng đã muốn lặng lẽ cho qua.


Có thể nói, bất kì chương trình nào lên sóng truyền hình đều cần kịch bản để có thể chỉn chu và hoàn hảo hơn khi trình chiếu. Tuy nhiên, đã gọi là truyền hình thực tế, người xem muốn những gì chân thật nhất và "đời" nhất được đưa lên chương trình chứ không phải là một kịch bản gượng gạo và giả tạo. Đã đến lúc ekip thực hiện các chương trình truyền hình cần có sự tôn trọng khán giả đúng mực để cho họ xem những hình ảnh đúng nhất với những gì được diễn ra.

Thay lời kết

Scandal là những vấn đề không ai muốn nhưng khó tránh khỏi… Việc tự tạo nên scandal khác hoàn toàn so với việc scandal tự phát. Dư luận bị thu hút bởi sự việc ấy, nhưng về dần họ sẽ cảm thấy ngao ngán, thấy mệt mỏi trước những scandal cố tình tạo nên của nhà sản xuất. Vì thế, đừng bắt người xem phải theo dõi chương trình vì những scandal “vớ vẩn”, chương trình “chất lượng” ắt sẽ thu hút được người xem.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày