Danh hài Việt: Trước khi nổi tiếng và mang đến tiếng cười, họ đã từng khóc

Thanh Huyền, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/09/2015
Chia sẻ

Các nghệ sĩ hài luôn mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng ít ai biết đằng sau sân khấu họ đã từng rơi nước mắt.

Nghệ sĩ hài luôn đứng lên sân khấu đem lại nụ cười cho khán giả. Mỗi khi xuất hiện, dù vẻ mặt buồn hay vui, họ cũng khiến khản giả cười lăn lộn. Nhưng người mang lại tiếng cười cho người khác chưa chắc đã là người hạnh phúc. Có những nghệ sĩ hài để được đứng trên sân khấu mua vui cho khán giả, họ đã không biết bao nhiêu lần âm thầm gạt nước mắt, bước qua những chông gai trên con đường bước tới nghệ thuật. Họ có thể đã phải trải qua tuổi thơ nghèo khó. Cũng có thể họ đã có những khoảng thời gian vất vả đến cùng cực. Thậm chí, có người phải gạt nước mắt, sống lầm lũi đến tận cuối đời...

Hoài Linh - ngấm chất nông dân từ tuổi thơ nghèo khó

Hoài Linh sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Năm 7 tuổi, gia đình anh chuyển tới vùng kinh tế mới với hi vọng đổi đời. Khi ấy không có nhà ở, gia đình anh phải mua lại cái chuồng heo mới xây của một gia đình để làm nơi trú chân. Bố Hoài Linh kiếm tấm vải dù che xung quanh chuồng heo để chắn mưa chắn gió. Cả gia đình gần chục người sống trong "ngôi nhà" rộng 10m2 trống trơ tứ phía.

Vì cuộc sống nghèo khó, ba mẹ Hoài Linh vất vả đủ nghề để kiếm đủ bữa ăn cho các con. Hoài Linh khi đó mới là một cậu nhóc bé xíu cũng lóc cóc ra ruộng mót lúa, mót khoai, hái rau về để thêm thức ăn cho gia đình. Khi lớn hơn một chút, Hoài Linh bắt đầu buôn bán phụ giúp gia đình. Khi thì chôm chôm, lúc thì mía, chuối khô, trà đá, nước sân... Hoài Linh bán mọi thứ miễn là có tiền. Anh từng chia sẻ bởi cuộc sống khó khăn làm bạn với bùn đất ấy mà chất nông dân đã ngấm vào máu thịt anh đến tận bây giờ.

hoai-linh-duoc-xet-tang-nsut-con-ai-xung-dang-hon (1)_qabp-e345b
Để được đứng trên sân khấu mang lại tiếng cười cho khán giả, Hoài Linh đã phải trải qua rất nhiều gian nan, khổ cực

Bước ngoặt cuộc đời của Hoài Linh đến khi anh gặp nghệ sĩ Thanh Lộc - một diễn viên của đoàn kịch Khánh Hòa, Hoài Linh bắt đầu đặt chân lên sân khấu với vài trò "diễn lót". Vở hài đầu tiên của anh là vai diễn sứt môi trong tiểu phẩm Ngọc Hoàng xử án. Dần dần, cái duyên trên sân khấu của Hoài Linh khiến khán giả yêu mến và dành tình cảm cho anh. Năm 20 tuổi, Hoài Linh xuất ngoại sang Mỹ với nhiều băn khoăn về cuộc đời của mình. Nơi đất khách quê người, cuộc sống còn khó khăn hơn rất nhiều khi ở quê nhà. Nhưng cơ may đã mỉm cười khi Hoài Linh nhận được vai diễn đầu tiên và liên tục chiếm trọn trái tim của khán giả khắp nơi. Đến giờ, Hoài Linh đang là nghệ sĩ hài sở hữu nhiều fan nhất và luôn nhận được sự ủng hộ ở bất kì nơi đâu anh đến.

"Hoa hậu làng hài" Thu Trang

Thu Trang đang được mệnh danh là "hoa hậu làng hài" khi cô liên tục gặt hái được nhiều thành công trên sân khấu hài kịch. Dành được sự yêu mến của khán giả qua những vai diễn hài hước nhưng ít ai biết đằng sau những nụ cười của Thu Trang, cô đã phải trải qua một quá khứ đầy nước mắt. Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng cô vẫn quyết tâm theo nghiệp diễn.

Khi thi đỗ cao đẳng Sân khấu điện ảnh vào năm 2001, cũng chính là khi gia đình thu Trang bị phá sản, tài sản giá trị nhất chỉ còn chiếc xe máy. Khi đó, cô vừa đi học vừa phải đi làm để có tiền đóng học phí. Mỗi tối chạy show, Thu Trang nhận được 10 đến 15 nghìn đồng tiền công. Có khi, cả nhà phải chờ Thu Trang đi diễn về mới có tiền ăn cơm tối. Thời điểm đó, Thu Trang từng tự ti đến mức cắt đứt liên lạc với bạn bè.

trang24414_10-3fd22-e345b
Thu Trang có một quá khứ đầy nước mắt

Hiện tại, Thu Trang đã dành được nhiều thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, bao năm lăn lộn với nghiệp diễn, trải qua nhiều khó khăn tưởng chừng như gục ngã nên Thu Trang luôn nghĩ mình sống và làm nghề một cách an phận, không bon chen. Cô từng chia sẻ: "Tôi một thân một mình bước vào nghề, lại không giỏi giao tiếp nên vất vả cũng đúng. Tôi lại nghĩ, chính những khó khăn mới dạy mình biết sống. Nếu tôi bùng nổ, dữ dội và chịu luồn cúi thì vị trí tôi đứng đã khác nhưng bản tính tôi không làm được. Nhờ tính an phận, hiền lành, tôi được chồng yêu hơn".

Tuổi thơ cơ cực "chỉ quan tâm đến ẩm thực" của Trường Giang

Trường Giang sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên cuộc sống anh vất vả từ nhỏ. Quanh năm suốt tháng cả nhà chỉ lo cho đủ miếng ăn chứ đừng nói đến quần áo đủ mặc. Trường Giang từng nói rằng khi đó nghèo quá, mối quan tâm lớn nhất là ẩm thực chứ không phải nghệ thuật. Anh phải đi mót từng củ su hào để có món thức ăn cho bữa cơm gia đình. Tới khi đi học, Trường Giang cũng làm đủ nghề để kiếm sống và trang trải tiền học phí. Anh từng bán nước suối, chạy bàn... để kiếm những đồng lương ít ỏi nhưng rất quý giá khi đó. Tuy nhiên, dù cố gắng đến mấy, sau khi học được 2 năm ở trường Sân khấu điện ảnh, Trường Giang cũng bị đuổi học vì không đủ tiền đóng học phí. Đây cũng chính là quãng thời gian anh sống trong khổ cực và nghèo đói vô cùng.

G4660x986-e345b
Trường Giang có tuổi thơ nghèo khó chỉ mong đủ cơm ăn

Đến giờ Trường Giang đang là một trong những tên tuổi được yêu mến nhất làng hài miền Nam. Tuy nhiên, anh vẫn chưa bao giờ quên quãng thời gian khổ cực đầy nước mắt mà mình đã phải trải qua. Anh chia sẻ rằng, mình sinh ra từ làng quê nghèo khó ăn "cơm hàng cháo chợ" đã quen. Chính bởi thế Trường Giang vẫn luôn giữ nét quê giản dị của mình và anh tự nhận mình là "kẻ cùi bắp quê mùa".

Trấn Thành - từng có tuổi thơ đầu đường xó chợ

Sinh ra trong một gia đình lao động bình dân, gia đình Trấn Thành đã từng vất vả để kiếm đủ tiền nuôi 5 miệng ăn. Cuộc sống khó khăn, bố Trấn Thành thức khuya dậy sớm, vác từng bao tải, siết từng con ốc, sửa những cỗ máy công nghiệp... nhưng cũng chỉ đủ tiền lo cho thằng con cả cứng đầu. Cha anh chỉ mong Trấn Thành học hành thành tài để không phải sống cuộc sống khổ sở như mình. Mẹ Trấn Thành từng khóc mờ mắt chỉ để thuyết phục anh đi học. Khi ấy Trấn Thành là cậu nhóc lì lợm, hung hăng. Sau khi lớn hơn, có hiểu biết hơn, Trấn Thành tự nhủ rằng, chỉ có học hành thành tài mới có thể giúp đỡ gia đình, lao ra đường kiếm tiền để cha mẹ không phải lo lắng nữa. 

Nhớ về quãng thời gian khó khăn, Trấn Thành từng nói anh cảm thấy may mắn khi mình có tuổi thơ thăng trầm. Trong ký ức của anh, đó là tuổi thơ có vui, có buồn, có đầu đường xó chợ, có cả những niềm hi vọng lẫn tuyệt vọng.

tranthanhluontheosatthisinh02-20150709020312-e345b
Trấn Thành từng trải qua tuổi thơ khổ cực, đầu đường xó chợ

Giờ đây, khi đã gặt hái được nhiều thành công và là ngôi sao nổi tiếng, Trấn Thành vẫn luôn nghĩ rằng chính những ngày tháng khó khăn ấy đã tạo cho anh nhiều cung bậc cảm xúc để "tôi luyện" nên Trấn Thành của ngày hôm nay.

Danh hài Văn Hiệp - nghèo khổ theo đến cuối đời

van_hiep_1-e345b
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp sống nghèo khổ cho đến cuối đời

Cố NSƯT Văn Hiệp từng đảm nhận hơn 1000 vai diễn cả chính kịch lẫn hài kịch, nhưng khi về già, ông phải sống cuộc đời cô độc và nhiều nỗi buồn. Vợ đi xuất khẩu lao động ở Đức hơn 20 năm, ông vò võ đợi chờ và một mình lầm lũi nuôi con một mình. Ông tâm sự, con trai ông "phá phách quá nên tống sang ở với mẹ", còn lại Văn Hiệp thân già ở với con gái gửi rể. Cứ như vậy, Văn Hiệp cứ sống cùng những vai diễn, mang lại tiếng cười cho khán giả khi đứng trên sân khấu rồi lầm lũi trở về sống một mình đơn độc. 

Góp tiếng cười cho đời, nhưng niềm riêng ông lại giấu kín. Dù bị bệnh nặng, nhưng nghệ sĩ nhất định không chịu đến bệnh viện, cứ lặng lẽ đóng phim, diễn hài. Đến cuối năm 2013, khi ông gục ngã hẳn, bạn bè mới biết đến căn bệnh khó chữa của ông. Đến khi ngã bệnh, ông vẫn nằng nặc đòi về nhà vì sợ ở lại viện tốn tiền của con cháu. Cuộc đời ông luôn giống giản dị với nhiều vất vả. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông kể lể hay kêu ca về chuyện riêng tư của mình. Mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng đến cuối đời, cố nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn phải chịu nhiều lần lặng lẽ rơi nước mắt một mình. Ra đi ở tuổi 71, cố nghệ sĩ để lại nhiều niềm tiếc thương cho người hâm mộ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày