Tối 11/8, Tại FINA World Cup 2015 đang diễn ra tại Moscow (Nga), Ánh Viên đã xuất sắc giành tấm HCĐ ở chung kết nội dung 200m hỗn hợp nữ với thành tích 2 phút 12 giây 33. Đây cũng là tấm huy chương đầu tiên trong lịch sử bơi lội Việt Nam trên đấu trường mang tầm cỡ thế giới.
Tại Cúp bơi lội thế giới, Ánh Viên nhận HCĐ ở nội dung 200m hỗn hợp
Vào đêm qua, Ánh Viên tiếp tục bước vào tranh tài ở nội dung 400m hỗn hợp, "Tiểu tiên cá" đã thi đấu xuất sắc và giành tấm HCB với thành tích 4 phút 40 giây 79. Như vậy, nữ kình ngư người Cần Thơ đã khép lại Cúp Thế giới 2015 với 1 HCĐ, 1 HCB.
Với thành tích đã đạt được, kình ngư 19 tuổi người Cần Thơ xứng đáng được khen ngợi khi cô đã vượt qua chính mình và tạo cột mốc lịch sử cho thể thao Việt Nam ở đấu trường tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, dưới con mắt của một người làm nghề lâu năm, nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng Ánh Viên vẫn chưa thể vươn tầm thế giới bởi thành tích.
"Tiểu tiên cá" tiếp tục giành HCB nội dung 400m hỗn hợp Bởi khi so sánh thành tích đã đưa đưa Ánh Viên đến tấm HCĐ Cúp bơi lội thế giới (2 phút 12 giây 33) thì vẫn còn kém người về cuối cùng chung kết nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ ở giải vô địch thế giới là Ye Shiwen (2 phút 11 giây 39).
Ở nội dung 400m hỗn hợp mà Ánh Viên vừa giành HCB, thành tích 4 phút 40 giây 79 của cô còn thấp hơn so với thành tích 4 phút 38 giây 78 ở giải Vô địch thế giới. Mặc dù vậy, kết quả đó chỉ giúp "Tiểu tiên cá" về đích thứ 10 vòng loại.
Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Lưu cũng đưa ra dẫn chứng về sự khác biệt đáng kể về số lượng cũng như trình độ của các VĐV dự thi nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ tại giải vô địch thế giới so với Cúp thế giới. Ông cho rằng, thành tích mà Ánh Viên vừa lập được là rất đáng khen ngợi nhưng không thể dựa vào đó để khẳng định nữ kình ngư 19 tuổi đã đạt được đẳng cấp thế giới.
Tuy nhiên, Ánh Viên không có "cửa" tranh chấp huy chương ở giải Vô địch thế giới
Nhà báo Nguyễn Lưu giải thích rõ hơn cho quan điểm của mình: "Cúp bơi lội thế giới tổ chức 8 giải trong 1 năm, khác với giải vô địch thế giới. Giải này cũng không quy tụ nhiều VĐV xuất sắc nhất. Ở giải đấu mang tầm cỡ tương tự nhưng ở môn TDDC, Phan Thị Hà Thanh từng giành 4 tấm HCV. Chúng ta vui mừng vì Ánh Viên đã tạo nên cột mốc lịch sử cho bơi lội Việt Nam trên đấu trường thế giới nhưng cũng nên tỉnh táo nhìn nhận thực lực của chính mình."
"Một số tờ báo từng đưa thông tin, Ánh Viên vượt qua Ye Shiwen, kình ngư số 1 Trung Quốc ở giải Vô địch thế giới vừa qua đã vô tình gây áp lực và tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho Ánh Viên bởi thực tế Ye Shiwen đang dính chấn thương. Tại giải đấu này, Ánh Viên lần lượt xếp thứ 16, 21, 33 ở các nội dung mà cô tham dự. Rõ ràng, kình ngư số 1 Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể tiệm cận hơn nữa các thông số tầm châu lục, thế giới".
Trong cuộc trao đổi, nhà báo Nguyễn Lưu cũng chỉ ra rằng, việc để Ánh Viên tham gia thi đấu 9 nội dung tại SEA Games 28 là hoàn toàn sai lầm. Mặc dù, cô gái được mệnh danh là "Tiểu tiên cá" đã thi đấu xuất sắc, giành 8 tấm HCV, phá 8 kỷ lục và gây tiếng vang lớn trên đấu trường khu vực nhưng điều này lại làm ảnh hưởng tới thành tích của Ánh Viên ở những đấu trường mang tầm cỡ lớn hơn. Bởi Ánh Viên cần được đầu tư trọng điểm ở một số nội dung sở trường để giành huy chương ở châu lục và thế giới chứ không nên quá "tham lam" ở những giải đấu khu vực như SEA Games.
Ánh Viên cần được đầu tư trọng điểm ở một số nội dung sở trường Cuối cùng, nhà báo Nguyễn Lưu kết luận: "Điều quan trọng nhất mà Ánh Viên làm được tại giải Cúp bơi lội thế giới là cải thiện thành tích cá nhân ở từng nội dung thi đấu. Nếu cứ tiếp tục tiến bộ như hiện tại, Ánh Viên hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương ở tầm châu lục và sẽ còn tiến xa hơn ở tương lai. Ngoài cố gắng, nỗ lực của bản thân Ánh Viên, bộ môn bơi lội cũng cần có hướng đầu tư trọng điểm, tập trung vào những nội dung sở trường mà Ánh Viên có cơ hội giành huy chương. Bên cạnh đó, cần có thêm đội ngũ chuyên gia, chế độ chăm sóc hợp lý để tài năng của nữ kinh ngư số 1 Việt Nam tiếp tục phát triển".