Tư thế "kèo dưới"
Trong khi HLV Kiatisak chỉ có duy nhất một sự lựa chọn đó là buộc phải giành chiến thắng thì với HLV Miura một trận hòa cũng đã là thành công. Điều đó giúp, vị chiến lược gia người Nhật có nhiều sự lựa chọn trong việc tính toán chiến thuật để đấu với đội chủ nhà Thái Lan.
Thái Lan buộc phải chơi tấn công, trong khi hàng công lại đang là vấn đề lớn đối với người Thái khi tiền đạo Dangda sau thời gian dài phải ngồi dự bị ở La Liga đang có dấu hiệu xuống phong độ, thậm chí có khả năng phải ngồi dự bị. Toàn bộ trọng trách được giao cho những cầu thủ trẻ ở độ tuổi U23 như Chanathip và Sarach.
Tư thế kèo dưới sẽ giúp thầy trò HLV Miura nhập cuộc thoải mái hơn
Còn ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura lại tỏ ra cực kỳ nguy hiểm khi chơi với đội bóng mạnh hơn ở tư thế "kèo dưới". Chính lối đá phòng ngự - phản công đã giúp Việt Nam đánh bại Iran tại Asiad, và cũng chính cách đá ấy giúp chúng ta có chiến thắng ngay tại "chảo lửa" Bukit Jalil của Malaysia ở AFF Cup 2014.
Thế nên, khi mà Thái Lan buộc phải gồng mình lên để tấn công, thì Việt Nam lại thoải mái thực hiện hết điểm mạnh của mình. Đấy chính là thuận lợi lớn để chúng ta có thể ít nhất có điểm trước đối thủ.
Người Thái bắt đầu sợ hãi
Từ thời còn làm cầu thủ cho đến khi bước vào nghiệp cầm quân, Kiatisak là một người rất khiêm tốn. Những cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Thái Lan trước đây, khi được hỏi về trận đấu Zico Thái luôn nói đầy xã giao theo kiểu 50-50. Tuy nhiên, lần này là một Kiatisak rất khác, khi ông nói rất nhiều về trận đấu này, và thậm chí đó là những phát biểu mang nặng tính "lên gân" hòng chơi đòn "tâm lý chiến". Rõ ràng, sức ép với Zico Thái lúc này là rất lớn, bởi ông hiểu đá sân nhà mà không thắng được Việt Nam thì đó chẳng khác nào tai họa. Trong khi ở trình độ không quá chênh lệch, mọi thứ đều có thể xảy ra.
HLV Kiatisak bỗng dưng rất thích phát biểu "lên gân"
Không chỉ HLV, mà từ các cầu thủ cho đến người hâm mộ Thái Lan cũng dành cho Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt. Những cầu thủ Thái Lan thay phiên nhau tuyên bố chiến thắng 100%, dù trận đấu chưa bắt đầu. Còn trên mạng xã hội, người hâm mộ Thái Lan bước vào những cuộc "khẩu chiến" với Việt Nam. Thậm chí, rất nhiều những hình ảnh chế mỉa mai đội bóng của HLV Miura.
Có lẽ rất lâu rồi mà một cuộc đọ sức giữa Việt Nam với Thái Lan lại được truyền thông dư luận Thái Lan quan tâm đến thế. Tất cả điều đó càng đẩy áp lực vô hình về phía ĐT Thái Lan. 65 nghìn khán giả sân Rajamangala tối nay ngoài việc tiếp lửa cho đội bóng còn là một rào cản về tâm lý với đội chủ nhà.
Sự tỏa sáng của những ngôi sao lớn
Trong những trận cầu quan trọng thì vai trò của những ngôi sao lớn, có dày dặn kinh nghiệm trận mạc đóng yếu tố quyết định. Mặc dù Thái Lan bổ sung chỉ 6 cầu thủ U23 lên ĐTQG, ít hơn Việt Nam 1 cầu thủ nhưng nếu như trong đội hình của HLV Miura chỉ duy nhất Quế Ngọc Hải có thể xuất hiện trong đội hình chính, thì cả 6 cầu thủ U23 Thái Lan chính là bộ khung của ĐTQG nước này.
Công Vinh sẽ lại thể hiện được cái duyên trước người Thái?
Chính vì lẽ đó, Thái Lan sẽ thua kém Việt Nam về mặt kinh nghiệm, và thiếu những ngôi sao thực sự đủ lớn để tạo nên sự khác biệt. Cầu thủ duy nhất, có thể kể đến là Dangda, nhưng một mình anh liệu có đủ?
Trong khi đó, tất cả những cầu thủ trên hàng công của ĐT Việt Nam đều đang ở độ tuổi chín của sự nghiệp và đều "ăn cơm tuyển" nhiều năm thi đấu ở các đấu trường quốc tế khác. Độ quái và kinh nghiệm chính là yếu tố có thể khiến đối phương "khóc hận" ngay tại sân nhà.
Thái Lan sẽ trả giá vì muốn thể hiện mình
Bóng đá Thái Lan chỉ mới bắt đầu trở lại trong vòng 2 năm nay nhờ lứa cầu thủ trẻ kế cận. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể vượt ra khỏi tầm Đông Nam Á. ĐTQG Thái Lan suốt nhiều năm qua, đá đâu thua đó, đặc biệt ở các giải đấu Châu Á. Đó là lý do dù vô địch AFF Cup, nhưng Thái Lan vẫn xếp rất xa Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA. Đáng nói hơn, trong thời gian bóng đá Thái Lan trở lại đỉnh của khu vực, thì ĐTQG nước họ vẫn chưa đối đầu với Việt Nam.
Thế nên, người Thái rất trông chờ cuộc đọ sức với Việt Nam để khẳng định ai mới là số 1 khu vực Đông Nam Á. Việc Việt Nam hòa Triều Tiên trong thế thắng, trong khi Thái Lan thất bại càng khiến các cầu thủ Thái Lan nóng lòng được thể hiện.
Một đội bóng với những cầu thủ trẻ làm trụ cột, lại thích được thể hiện mình phải tầm đối thủ, thì đấy là đội bóng dễ dàng bị đánh bại nhất. Có quá nhiều sơ hở đủ ông Miura có thể khai thác từ tâm lý của đội bóng xứ chùa vàng.
Những tính toán của ông Miura
Ở vòng loại U23 Châu Á vừa qua, mọi người đều ngả mũ trước khả năng chuẩn bị đầy tính thực dụng của ông Miura. Ông xác định rõ đối thủ mình sẽ gặp và cho các cầu thủ thi đấu giao hữu cho từng mục tiêu nhất định. Ông Miura luyện cho các cầu thủ chỉ biết thủ trong trận gặp Đồng Nai hay U23 Uzbekistan để hạn chế bàn thua trong trận gặp Nhật. Nhưng ông vẫn xua quân lên đá tưng bừng khi gặp Malaysia và Macau.
HLV Miura có thể tự tin vào những toan tính của mình.
Trước trận gặp Thái Lan, ông Miura cũng tính toán tương tự khi "dựng xe bus" trước khung thành và sử dụng lối đá phòng ngự - phản công. Ông Miura đã thành công ở bước chuẩn bị ấy, khi Việt Nam đã có bàn thắng nhờ pha phản công sắc bén, trong khi hàng phòng ngự gần như không mắc sai lầm.
Cách HLV Miura tuyển quân cũng cho thấy ông chỉ chọn cầu thủ phù hợp để chống 1 trận đấu cụ thể với Thái Lan. Đó là lý do, Michal Nguyễn dù chưa được ra sân ở V.League vẫn được gọi lên vì khả năng chống bóng bổng tốt. Ngoài ra, những cựu binh đã qua tuổi 30 như Chí Công, Minh Châu, Khánh Lâm... sẽ là những vũ khí để ông Miura hóa giải các cầu thủ trẻ của Thái Lan.