Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League

Trâm Phạm, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 27/11/2014
Chia sẻ

Giải Ngoại hạng Anh không phải là mảnh đất mà ai cũng có thể tỏa sáng được.

1. Bosko Balaban (Aston Villa)

Năm 2001, chủ tịch Doug Ellis của Aston Villa quyết định chi đậm 6 triệu bảng để đón Bosko Balaban từ Dinamo Zagreb về sân Villa Park. Với mức lương 20.000 bảng/tuần, Balaban được xem là câu trả lời cho vấn đề ghi bàn của Villa và còn được kỳ vọng là "tương lai" của CLB. Tuy nhiên, những gì Balaban mang đến chỉ có thể tóm gọn trong 2 chữ: thất vọng.

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 1

Tiền đạo người Croatia không thể thích nghi với cường độ của giải Ngoại hạng và chỉ được sử dụng với vai trò dự bị. 
Trong suốt mùa giải 2001-2002 tại sân Villa Park, Balaban chỉ ra sân vỏn vẹn 8 lần và chưa bao giờ góp mặt trong đội hình xuất phát. Quá hãi hùng trước phong độ của Balaban, Aston Villa quyết định trả Balaban về Dinamo Zagreb dưới dạng cho mượn. 

Tại Dinamo, Balaban lại bất ngờ tỏa sáng với 15 bàn thắng sau 24 trận, thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ để thuyết phục Villa “nối lại tình xưa” với chân sút này. Tháng 12 năm 2003, Aston Villa quyết định chấm dứt hợp đồng với Balaban, sau đó tiền đạo người Croatia chuyển sang khoác áo Club Brugge dưới dạng chuyển nhượng tự do. 

2. Marco Boogers (West Ham United)

Tháng 7 năm 1995, Marco Boogers chuyển đến West Ham United với mức giá 1 triệu bảng sau khi tiền đạo người Hà Lan được tiến cử cho HLV Harry Redknapp. Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu xảy ra khi Boogers thi đấu trận thứ 2 cho CLB, lúc đó anh được gọi vào từ băng ghế dự bị trong trận đấu với Manchester United. Có lẽ do quá nóng lòng muốn thắng, Boogers đã có pha phạm lỗi hết sức thô bạo với Gary Neville và phải lãnh thẻ đỏ rời sân ngay lập tức. 

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 2

Báo chí Anh lập tức “gạch đá” Boogers, buộc tội tiền đạo người Hà Lan cố tình gây chấn thương cho Gary Neville, mặc dù Boogers đã biện bạch rằng bãi cỏ trơn ướt khiến anh bị trượt chân. Thế rồi chẳng hiểu tại sao, Boogers đột nhiên biến mất vài tuần lễ, cho đến cuối cùng anh được tìm thấy khi đang co rúm trong một căn nhà di động ở Hà Lan. Sự việc này gây chấn động đến nỗi Boogers phải lên tiếng khẳng định: “Tôi không bị thần kinh”. Không lâu sau, Boogers được West Ham cho Gronigen mượn trước khi tiễn biệt cầu thủ này vào năm 1998. Theo thống kê, Boogers ra sân cho West Ham được 4 lần và hiển nhiên là chẳng ghi bàn nào. 

3. Jason Lee (Nottingham Forest)

Năm 1994, Lee chuyển đến Nottingham Forest sau khoảng thời gian không mấy thành công tại Southend United, thế nhưng chuyển CLB cũng không giúp phong độ của Lee khá hơn. 

Trong 3 năm tại đây, Lee chỉ ra sân 74 lần và ghi tổng cộng 16 bàn, một thành tích vô cùng “hẩm hiu”. Tuy nhiên, Lee lại thu hút rất nhiều sự chú ý ở những nơi mình đến, nguyên nhân là vì kiểu tóc kỳ dị của anh. CĐV đối địch thường nhiếc móc kiểu tóc “trái thơm” của Lee bằng những câu hát chế giễu, đến nỗi Lee phải phàn nàn với giới quan chức, tiếc là mọi chuyện vẫn lại đâu vào đấy. Dù vậy, vấn đề chính vẫn nằm ở chỗ kỹ năng yếu kém của Lee, tiền đạo người Anh luôn là nạn nhân của hàng hậu vệ đối phương. 

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 3

Sau khi rời khỏi Nottingham vào năm 1997, Lee chuyển sang khoác áo những CLB vô danh như Northampton Town, Kettering Town, Arnold Town và Boston United, trước khi nghỉ hưu vào năm 2010. Trong suốt sự nghiệp của mình, Lee đã ra sân 621 lần và chỉ ghi được 125 bàn. 

4. Andreas Cornelius (Cardiff City)

Vài năm trước, khi mới bước sang tuổi 19, Cornelius đã gây ấn tượng mạnh tại Copenhagen với 18 bàn thắng sau 34 lượt trận. Chính vì vậy, Cardiff City đã quyết định chi đến 8 triệu bảng để đón tiền đạo trẻ người Đan Mạch về CLB, thiết lập nên kỷ lục chuyển nhượng mới trong lịch sử đội bóng. Ngờ đâu, Cornelius lại không thể tái hiện phong độ tuyệt vời của mình ở Copenhagen tại Anh. 

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 4

Tháng 6 năm 2013, khi chuyển đến Cardiff City, Cornelius bất ngờ dính chấn thương đầu gối khiến anh phải ngồi ngoài trong các trận giao hữu và bỏ lỡ luôn trận đấu đầu tiên của Cardiff tại giải Ngoại hạng với West Ham. Không chỉ bị chấn thương tiếp tục đeo bám, tiền đạo 21 tuổi còn không thể bắt kịp cường độ thi đấu khắc nghiệt của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới. Kết quả, Cornelius chỉ ra sân 8 lần và không ghi nổi bàn nào. 6 tháng sau, Cardiff chịu lỗ trả Cornelius về cho Copenhagen. Malky Mackay, HLV của Cardiff lúc bấy giờ và cũng là người quyết định mua Cornelius, đã bị sa thải không lâu sau đó. 

5. Tomas Brolin (Leeds United và Crystal Palace)

Trước và trong Euro 1992, Tomas Brolin từng được xem là ngôi sao sáng chói khi ghi bàn thắng tuyệt đẹp giúp Thụy Điển đánh bại Tam Sư tại vòng bảng. Thế nhưng sau khi Euro chấm dứt, Brolin lại đánh mất luôn bản năng săn bàn đáng gờm của mình. Năm 1995, Leeds United chấp nhận trả đến 4,5 triệu bảng để Parma chịu “nhả” Brolin, nhưng rồi chính Brolin đã "vứt số tiền đó ra cửa sổ". Sau 20 lần ra sân, chân sút người Thụy Điển chỉ ghi vỏn vẹn 4 bàn cho đội chủ sân Elland Park. Được biết, nguyên nhân chính của sự sa sút này là do Brolin đã tăng cân chóng mặt vì thói ăn uống vô độ. Không chỉ vậy, nhiều nguồn tin tiết lộ Brolin từng nổi giận đùng đùng bỏ tập mà không coi ai ra gì.  

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 5

Với phong độ thảm hại và thái độ vô kỷ luật của Brolin, Leeds United quyết định tống cầu thủ này sang Zurich và Parma dưới dạng cho mượn. Đến năm 1997, Leeds chấm dứt hợp đồng với Brolin, nhưng rồi Crystal Palace lại chen vào rước tiền đạo này về vào đầu năm 1998. Tuy nhiên, sau 13 lần ra sân, Brolin lại tiếp tục “tịt ngòi”. Trên thực tế, cầu thủ người Thụy Điển quá mập để thi đấu nên được bổ nhiệm làm trợ lý HLV, ngờ đâu Palace cũng bị xuống hạng vào năm đó. Chuyện sau này có lẽ khỏi cần phải nói, dĩ nhiên là không còn CLB nào ở giải Ngoại hạng dám rước Brolin về nữa. 

6. Afonso Alves (Middlesbrough)

Trong thời gian khoác áo Heerenveen, Afonso Alves ghi đến 48 bàn sau 48 lượt trận. Chính vì vậy, Middlesbrough tin rằng Afonso chính là câu trả lời cho nguy cơ xuống hạng của mình, thế nên họ đã chấp nhận trả 15 triệu bảng để có được sự phục vụ của chân sút người Brazil. Mặc dù nhận đến 50.000 bảng mỗi tuần, Afonso lại không để lại ấn tượng gì ngoài cú đúp trong trận đấu với Manchester United. Sau 18 tháng thảm họa tại Middlesbrough với vỏn vẹn 10 bàn thắng sau 42 lần ra sân, Afonso bị đội chủ sân Riverside tống khứ cho Al Saad.

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 6
 
7. Andriy Shevchenko (Chelsea)

Chelsea nổi tiếng là chuyên gia mua nhầm tiền đạo trên thị trường chuyển nhượng, và Andriy Shevchenko chính là một trong số đó. Trước khi chuyển đến thi đấu tại Premier League, Shevchenko được xem là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thập kỷ với 187 bàn thắng sau 325 lượt trận cho AC Milan và Dynamo Kiev. Tuy nhiên, kể từ lúc có mặt tại sân Stamford Bridge qua bản hợp đồng trị giá 30,8 triệu bảng, Shevchenko chỉ còn là cái bóng của chính mình. 

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 7

Năm 2006, tỷ phú Abramovich quyết định chi mạnh để mua Shevchenko dù bị Jose Mourinho phản đối kịch liệt. Chính vì thế, chân sút người Ukraine không được ông thầy người Bồ Đào Nha trọng dụng và gần như không có chỗ đứng trong đội hình xuất phát. Sau 3 mùa giải tại Chelsea (1 mùa cho mượn tại Milan), tiền đạo người Ukraine chỉ ghi được 9 bàn thắng cho The Blues và 0 bàn cho Milan. Cuối cùng, tỷ phú người Nga đành phải xuống nước thừa nhận sai lầm của mình. Bên cạnh Fernando Torres, Shevchenko được xem là một trong những bản hợp đồng “hớ” nhất của đội bóng thành London. 

8. Stephane Guivarc'h (Newcastle United)

Mùa hè năm 2008, sau khi Stephane Guivarc’h giành chức vô địch World Cup cùng đội tuyển Pháp, HLV Kenny Daglish quyết định trả 3,5 triệu bảng để đưa tiền đạo đang khoác áo Auxerre về Newcastle. Nếu như Daglish không ngại rằng Stephane chỉ chơi 30 phút trong trận mở màn của Les Blues với Nam Phi, người kế thừa ông, Ruud Gullit, lại chẳng có ấn tượng với chân sút người Pháp. 

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 8

Không tin rằng Stephane sẽ phù hợp với phong cách “bóng đá gợi cảm”, Gullit đã tống khứ Stephane cho Rangers với giá 3,5 triệu bảng vào tháng 11 cùng năm. Theo thống kê, Stephane chỉ ghi được 1 bàn trong 4 lần ra sân cho đội bóng vùng Tyneside. Cuối cùng, chân sút người Pháp quay về Auxerre và thi đấu khá tốt với 25 bàn sau 60 trận. 

9. Ade Akinbiyi (Norwich City, Leicester City và Sheffield United)

Mặc dù không ghi được bàn thắng nào cho Norwich City sau 15 lần ra sân tại Premier League vào những năm 1993-1994, Ade Akinbiyi vẫn được Leicester City mua lại từ  Wolverhampton Wanderers với giá 5,5 triệu bảng vào năm 2000 do tin tưởng vào thành tích khá tốt của tiền đạo này ở giải hạng dưới. Ngờ đâu đây lại trở thành một trong những sai lầm lớn nhất của Leicester City. 

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 9

Kể từ khi chuyển đến đây, Akinbiyi và HLV Peter Taylor đã trở thành trò cười cho giải Ngoại hạng. Chân sút đến từ Hackney liên tục bỏ lỡ những đường chuyền như đặt của đồng đội và bị gán cho biệt danh “Akin-panic-biyi” (Akin-hoảng sợ-biyi). Đáng chú ý nhất là, Akinbiyi từng bỏ lỡ đến 4 cơ hội ghi bàn dễ dàng chỉ trong 1 trận đấu với Liverpool, để rồi bị chính CĐV đội nhà la ó. 

Sau 58 trận mà chỉ ghi được 11 bàn, Akinbiyi bị “tống” đến Crystal Palace ở giải hạng dưới vào năm 2002. Dù vậy tiền đạo sinh năm 87 vẫn có dịp trở lại giải Ngoại hạng trong màu áo Sheffield United vào năm 2006-2007, nhưng rồi anh cũng không ghi được thêm bàn nào. Mùa giải năm ngoái, Akinbiyi chính thức treo giày nghỉ hưu. 

10. Jo (Manchester City và Everton)

Có lẽ cái tên Jo cũng không quá xa lạ với giới mộ điệu, cầu thủ 27 tuổi chính là một trong những tiền đạo được người Brazil đặt nhiều kỳ vọng nhất tại World Cup mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, Jo chỉ mang đến nỗi thất vọng cho người dân xứ samba.  

Top 10 chân sút có thành tích... tệ nhất lịch sử Premier League 10

Tháng 7 năm 2008, Jo chuyển đến Manchester City từ CSKA Moscow với mức giá “khủng” 19 triệu bảng. Ở độ tuổi 21, Jo từng được kỳ vọng sẽ trở thành một hiện tượng như “người ngoài hành tinh”  Ronaldo, tiếc là sau 21 lượt trận, Jo chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng, một con số quá tệ nếu so với 30 bàn sau 52 trận tại Moscow. Không chỉ vậy, Jo còn không thể bắt kịp với giải đấu thiên về thể lực như Premier League. 

Chính vì phong độ tệ hại này, Jo bị City đưa sang cho Everton mượn trong khoảng thời gian 2009-2010. Thế nhưng việc chuyển đổi CLB vẫn không giúp kỹ năng ghi bàn của Jo khá khẩm hơn bao nhiêu, bằng chứng là tiền đạo người Brazil chỉ đút túi 5 bàn thắng sau 20 lần ra sân. Tháng 7 năm 2011, Jo quay về Brazil khoác áo Internacional. Với tình hình này, có lẽ Jo sẽ không quay lại giải Ngoại hạng trong thời gian gần... 

Nguồn: Daily Mail
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày