Có lẽ chưa bao giờ giới truyền thông Việt Nam lại cử các đoàn tiền trạm hùng hậu tới nước chủ nhà đăng cai SEA Games như lần này. Và cũng từ những thông tin gửi về từ đoàn tiền trạm, không ít phóng viên Việt Nam đã bị “sốc” với điều kiện tác nghiệp tại Myanmar - nơi sẽ diễn ra kỳ đại hội lớn nhất khu vực trong khoảng 1 tháng.
Điều mà cánh phóng viên chúng tôi lo lắng nhất, chính là điều kiện ăn ở, đi lại, internet cũng như an ninh. Và có “mắt thấy tai nghe”, mới thấy SEA Games 27 quả thực quá nhiều thách thức, buộc giới truyền thông phải có sự chuẩn bị thật tốt, sự linh hoạt trong cách xử lý những sự cố tại Myanmar. Chuẩn bị tinh thần là như vậy, nhưng có đối diện với SEA Games 27, mới thấy mọi thứ còn quá mông lung.
Cú “sốc” đầu tiên với giới truyền thông Việt Nam, chính là chỗ ở tại Myanmar. Nếu như tại cố đô Yangon khách sạn nhiều, giá cả cũng phải chăng (khoảng 50 USD/phòng 2 người), thì ở Nay Pyi Taw-nơi tổ chức chính của SEA Games năm nay, thực sự là nan giải. Ngay từ trước khi lên đường, qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi đã cố gắng liên hệ để tìm cách đặt trước phòng khách sạn, nhưng hầu hết đều thất bại. Nay Pyi Taw là thủ đô mới của Myanmar, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang với những công trình, bến xe, đường xá và tất nhiên có cả hệ thống khách sạn, các nhà nghỉ.
Tôi còn nhớ, tại kỳ SEA Games 2011 diễn ra tại Indonesia, cánh phóng viên Việt Nam chỉ phải thuê khách sạn với mức giá khoảng 20USD/người/phòng, nhưng ở Myanmar đã lên tới 90 USD/phòng/2 người. Chấp nhận mức giá “cắt cổ”, nhưng cũng chẳng có phòng mà thuê, bởi hầu hết các khách sạn đều “cháy”. Nhiều khách sạn còn không đủ phòng cho các VĐV thuê, chứ nói gì tới cánh phóng viên.
Theo thông tin đăng tải trên các website khách sạn, du lịch của Myanmar, hầu hết các phòng đều đã được đặt trước và đến thời điểm này đều đã kín. Thậm chí, ngay cả với những công ty du lịch có mối làm ăn nhiều năm với các khách sạn, nhưng cũng đành “bó tay” vì không thể đặt phòng như bình thường. Hầu hết những cá nhân thuê phòng tại Nay Pyi Taw trong thời điểm diễn ra SEA Games đều phải ngậm ngùi tìm kiếm phương án khác khả dĩ hơn.
Được biết, trong thời gian diễn ra SEA Games, toàn bộ các khách sạn tại Nay Pyi Taw đã được Chính phủ thu hồi nhằm “bình ổn giá”. Chẳng biết “bình ổn” tới đâu, nhưng càng gần ngày diễn ra lễ khai mạc SEA Games, giá phòng càng leo thang. Thậm chí ở thời điểm này, có những khách sạn 3 sao có mức giá thuê phòng lên tới 300 USD/đêm/2 người.
Hy vọng lớn nhất với cánh phóng viên Việt Nam, chính là nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar giúp đỡ, nhưng cũng rất hạn chế và không phải ai cũng liên hệ được. Một phương án được các phóng viên kỳ vọng là thuê nhà dân nhằm giảm chi phí, nhưng cách này cũng không ổn bởi quãng đường di chuyển tới các địa điểm xa, lại không có internet và hầu hết các nhà dân tại Myanmar đều không mặn mà với việc cho phóng viên quốc tế thuê nhà.
Có những phóng viên định mang lều hay ở tạm trung tâm báo chí, siêu thị…nhưng vấn đề an ninh thực sự đáng lo ngại.
Nhóm phóng viên nào may mắn đặt được phòng từ Việt Nam còn yên tâm, nhưng phần lớn cánh báo chí đều xác định sẽ phải tùy cơ ứng biến khi hành quân tới Nay Pyi Taw. “An cư mới lạc nghiệp”, nhưng nỗi lo phòng ở vẫn thực sự lớn với hầu hết phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp tại kỳ SEA Games này.
Myanmar mới chỉ mởi cửa, nên hầu hết các khâu dịch vụ đều kém phát triển, thậm chí rất tệ. Ngoài nỗi lo không thuê được khách sạn, thì phương tiện di chuyển và internet cũng thực sự “ác mộng”. Nếu như tại Yangon xe taxi nhiều vì ngành du lịch đang phát triển, thì tại Nay Pyi Taw kiếm được taxi rất khó. Phương tiện di chuyển tại đây chủ yếu là những chiếc xe bus được nêm chặt người, thậm chí ngồi cả trên nóc xe. Taxi ở Nay Pyi Taw luôn phải mặc cả, nên nếu bạn không hỏi trước, có thể sẽ phải chấp nhận mất rất nhiều tiền với tài xế.
Việc liên lạc tại Myanmar cũng vô cùng khó khăn, bởi những chiếc sim điện thoại có giá lên tới… 300 USD, nhưng chỉ sử dụng được vài ngày là hết tiền tài khoản. Các nhà thi đấu đều lắp đặt wifi nhưng rất yếu, trong khi 3G vẫn khái niệm chưa xuất hiện ở đất nước này.
Mới tới Myanmar mà mọi thứ khó khăn đều hiện ra trước mắt, nhưng chúng tôi vẫn phải “chiến đấu” trong mọi điều kiện, nhằm đưa tới độc giả những thông tin nóng hổi nhất về SEA Games. Với không ít người, càng khó khăn bao nhiêu thì sự trải nghiệm càng lớn. Đó cũng là những thứ rất đáng đánh đổi lắm chứ…