Những tiến bộ trông thấy
Trong khoảng 40 phút đầu hiệp 1, Thái Lan gần như không thể lên bóng khi các cầu thủ Việt Nam chơi áp sát rất nhanh. Có những tình huống, các tiền đạo của Olympic Việt Nam tranh chấp ngay cả khi bóng trả về cho thủ môn Thái Lan. Lối chơi áp sát ấy đã khiến các cầu thủ chủ nhà thực hiện rất nhiều đường chuyền sai.
Một trong những điểm tích cực của Olympic Việt Nam là lối chơi áp sát, chịu khó tranh chấp
Hầu hết trong các pha tranh chấp tay đôi, phần chiến thắng đều thuộc về các học trò của HLV Miura. Lối chơi áp sát và chịu khó tranh chấp ngay trên phần sân đối phương chính là điều ông Miura mong muốn, để làm được điều đó, các cầu thủ cần nền tảng thể lực tốt. Và trận đấu hôm qua, các học trò đã làm ông thầy người Nhật hài lòng.
Rõ ràng, thành quả của việc tập nặng trong 25 ngày qua của ông Miura đã phát huy tác dụng. Tất nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó, thông thường khi chăm chú vào tập thể lực thì sự kết dính giữa các cầu thủ phần nào kém đi, nhưng ít ra hôm qua có thể xem là trận đấu mà các cầu thủ bắt đầu “tìm thấy được nhau”, so với những trận giao hữu trước đó.
Lạc quan ở ngay cả những điểm yếu
2 khâu yếu nhất của đội tuyển Olympic Việt Nam hôm qua là những sai lầm ở hàng phòng ngự và khả năng giải quyết tình huống của các tiền đạo. Nhưng chính những điểm yếu này lại là điều khiến ông Miura cảm thấy lạc quan nhất.
Bởi lẽ, trận đấu với Thái Lan đúng chất của một trận giao hữu, và ông Miura đã sử dụng những phương án dự phòng của mình. Lần đầu tiên, Đức Lương được kéo vào trung tâm hàng phòng ngự đá cặp với Ngọc Hải. Cũng lần đầu tiên, một cầu thủ mới được bổ sung vài ngày như Vũ Văn Thanh đá ở vị trí hậu vệ phải. Tất nhiên, khi dùng 2 phương án này thì đồng nghĩa ông Miura đã nghĩ đến những sai sót.
Đó là lý do chiến lược gia người Nhật giải thích vì sao lạc quan về hàng thủ, vị trí mà trước đó ông luôn nói rằng cảm thấy yên tâm nhất: “Các sai lầm đều mang tính cá nhân, nên tôi cảm thấy lạc quan về những điểm yếu này”. Ông Miura nói thế, cũng có nghĩa khi các vị trí này được thay thế bằng những người khác, thì tự khắc điểm yếu sẽ khắc phục.
Còn hàng tấn công, ông thầy người Nhật lại cảm thấy vui khi nhận ra rằng hiệp đấu thứ 2, với sự xuất hiện của Văn Toàn đã mang lại sự khác biệt bởi lối chơi năng nổ và nhiệt huyết. Đây không phải là lần đầu tiên ông Miura nhắc đến Văn Toàn và rất có thể đây sẽ là con bài bí mật của ông trong những thời điểm quyết định.
Olympic Việt Nam vẫn khó lường
Ông Miura khẳng định trận thua trước Thái Lan đáng giá hơn một chiến thắng? Có rất nhiều điều để nói rằng ý kiến của ông Miura hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, thất bại ấy không chỉ giúp ông thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của đội, mà trận thua ấy là “đòn tâm lý” không thể tốt hơn với một tập thể còn rất trẻ, thi đấu chưa tốt nhưng lại vẫn bất bại trong các trận giao hữu trước đó.
Trận thua trước Thái Lan còn tiếp tục khiến người hâm mộ có cảm giác các cầu thủ Olympic Việt Nam giống như một đấu sỹ mới tung ra đòn đánh bằng 1 tay và chờ đợi đòn đánh quyết định bằng tay còn lại dù không ai biết thời điểm của đòn thứ 2 tung ra vào thời điểm nào.
Nói thế là bởi, chúng ta mới chỉ nhận thấy được sức mạnh về mặt thể lực của đội bóng.
Bộ khung ưng ý cũng như về mặt lối chơi vẫn đang mới được hình thành và có phần tiến bộ qua từng ngày. Nghĩa là, hiện nay Olympic Việt Nam vẫn chưa phải là có phong độ tốt nhất. Nếu điểm rơi phong độ của các cầu thủ vào 1 tuần sau, thì chắc chắn chúng ta sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Một thất bại ở trận đấu vô thưởng, vô phạt nhưng lại giúp tất cả trở nên tỉnh táo và biết mình đang ở đâu còn quý giá hơn một chiến thắng để rồi sau đó thất bại ở giải đấu chính thức. Và hy vọng Olympic Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn, sau thất bại này.