Chị chạy em theo
Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thanh Ngưng là trường hợp đặc biệt của điền kinh Việt Nam khi thi đấu cùng ở nội dung đi bộ 20 km. Cả hai sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.HCM và tìm đến điền kinh như một lối thoát trên đường đời.
Với tố chất sẵn có cộng với những nỗ lực bền bỉ cả Thanh Phúc, Thanh Ngưng đều nhanh chóng đạt được thành tích cao ở môn đi bộ. Tại SEA Games 26, Thanh Phúc đoạt tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở nội dung đi bộ 20km. Thanh Ngưng sau đó cũng xuất sắc đoạt HCĐ.
Trong 2 năm qua, thành tích của 2 VĐV đều được duy trì ở mức ổn định. Trong năm 2012, Thanh Phúc đoạt HCĐ châu Á đồng thời giành vé dự Olympic 2012. Trong khi đó, Thanh Ngưng về thứ 6 nhưng vượt thành tích đoạt HCV SEA Games. Mục tiêu của 2 chị em trong năm nay là cùng đoạt HCV ở SEA Games 27.
Anh em cùng chạy
Ở đội tuyển điền kinh còn có một cặp anh em ruột nổi tiếng khác là Quách Công Lịch và Quách Thị Lan thi đấu ở nội dung 400 m nam và 400 m rào nữ. Quách Thị Lan được xem là tài năng điền kinh nổi trội của Việt Nam được Thanh Hóa đầu tư đến 4 tỷ đồng để tập huấn tại châu Âu, chuẩn bị cho SEA Games.
Quách Thị Lan (sinh năm 1996) được xem là ứng cử viên số 1 cho tấm HCV nội dung 400 m rào nữ khi ĐKVĐ SEA Games người Malaysia không tham dự. Thậm chí thành tích 57’30 của cô tại giải VĐQG năm nay cũng đã vượt qua thành tích của VĐV đoạt HCV SEA Games trước (57’41).
Quách Công Lịch hơn Lan 2 tuổi cũng là niềm hy vọng lớn của điền kinh Việt Nam ở nội dung 400 m nam. Tại giải điền kinh Malaysia mở rộng diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Công Lịch đã đoạt HCB với thành tích 47’80.
Chị em cùng đập bóng
ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay có cặp chủ công rất lợi hại là Phạm Thị Yến và Đỗ Thị Minh. Cả hai đều không có chiều cao quá lý tưởng so với yêu cầu của môn bóng chuyền nhưng có sức bật rất tốt và có những cú đập bóng ghi điểm vượt cả tầm chắn đối phương.
Phạm Thị Yến (sinh năm 1985) trưởng thành từ đội bóng chuyền Năng khiếu Hà Nam. Tuy nhiên, năm 2002 bóng chuyền Hà Nam giải tán, chỉ giữ lại một số VĐV nòng cốt. Được động viên, Phạm Thị Yến lên đầu quân cho đội Bộ Tư lệnh Thông tin từ năm 2004. Từ đó đến nay, Yến trở thành chủ công không thể thiếu trong màu áo CLB lẫn ĐTQG.
Đỗ Thị Minh (sinh năm 1988) là chị em cô cậu với Phạm Thị Yến. Theo vai vế trong nhà, Đỗ Thị Minh là chị. Chính Phạm Thị Yến là người đã giới thiệu để Minh đến thi tuyển vào đội BTLTT. Trong những năm qua, họ chính là cặp chủ công chính của BTLTT cũng như ĐTVN. Thành tích tại SEA Games 27 của bóng chuyền nữ Việt Nam phụ thuộc không ít vào phong độ của bộ đôi này.
Cặp vợ chồng Thiếu lâm tự quyền pháp
Tại SEA Games 27, đoàn TTVN có 1 cặp vợ chồng rất nổi tiếng đó là Hồ Nhất Thống và Nguyễn Thị Huyền Diệu. Nhất Thống từng VĐ Asiad 1998 còn Huyền Diệu 4 lần VĐ SEA Games đều ở môn taekwondo. SEA Games 2011, cả hai được chuyển qua huấn luyện môn võ khá lạ lẫm Shorinji Kempo (còn gọi là Thiếu lâm tự quyền pháp).
Với kinh nghiệm dày dạn, cặp vợ chồng này đã giúp đội tuyển Kempo Việt Nam thi đấu thành công với 4 HCV, 3 HCB và 6 HCĐ. Năm nay, họ tiếp tục công tác huấn luyện với hy vọng biến Kempo thành “mỏ vàng” mới của TTVN tại SEA Games 27.
Duyên tình cờ vua
Phạm Lê Thảo Nguyên và Nguyễn Ngọc Trường Sơn được xem là cặp đôi đẹp nhất của làng cờ vua Việt Nam. Thảo Nguyên là cô gái có cá tính, trong khi Sơn là người sống khép kín, ít nói, thậm chí có lúc “xù lông nhím” với tất cả trừ những quân cờ. Nhưng chính sự khác biệt đó đã giúp mối tình của họ bền chặt qua năm tháng.
Tại SEA Games 27, họ được xem là 2 VĐV chủ lực của cờ vua Việt Nam trong bối cảnh Lê Quang Liêm và Nguyễn Thị Mai Hưng đều không tham dự. Có thông tin cho rẳng, Trường Sơn đã đính hôn với Thảo Nguyên. Vì thế, tấm HCV SEA Games sẽ là món quà cưới ý nghĩa mà cả hai dành tặng cho nhau.