Mỗi khi ĐTVN có được chiến thắng ở kì thi đấu quan trọng, cả nước chìm trong hạnh phúc, CĐV Việt Nam xuống đường ăn mừng, không khí tấp nập vui vẻ như ngày hội. Việt Nam có lẽ đáng được xếp vào một trong số những quốc gia hâm mộ môn túc cầu nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn vào rất nhiều sự kiện của CĐV V-League, sẽ thấy một cảnh tượng khá đáng buồn.
Đốt lửa, đốt pháo sáng dù ủng hộ hay phản đối
Quy định của các sân vận động là cấm mang chất cháy nổ vào sân. Tuy nhiên, rất nhiều CĐV đã lách luật một cách hoàn hảo khi trên khán đài của các trận cầu nóng bỏng vẫn thấy pháo sáng hay thậm chí cả lửa đang rực cháy.
Đốt pháo sáng...khi vui
CĐV Hải Phòng là những CĐV nổi tiếng với pháo sáng. Rất nhiều lần dù BTC giải đã dọa xử phạt, nhưng các CĐV vẫn ngang nhiên đốt pháo ầm ầm trước mắt công an cũng như bảo vệ trên sân. Pháo sáng không chỉ làm náo loạn khán đài, mà nó còn là vật cháy nổ gây nguy hiểm cho người khác. Khi vui các CĐV thường đốt pháo sáng để chúc mừng. Còn khi buồn, khi phẫn nộ thì sao? Họ đốt lửa để thể hiện sự phản kháng của mình. Nếu công an cưỡng chế thì họ gây gổ, chửi bới.
Đốt lửa... để phản đối.
CĐV đánh nhau, đánh cả cầu thủ đội bạn
Việc đánh nhau giữa CĐV các đội xảy ra như cơm bữa. Chỉ cần một vài câu khích bác bên ngoài sân, hay ngồi cạnh nhau trên khán đài, thì trước sau cũng xảy ra xô xát. Vụ việc xô xát trên sân Vinh giữa CĐV Hải Phòng và CĐV Nghệ An đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về việc bạo lực của các CĐV thể thao. Xô xát với nhau, khi công an vào can ngăn, rất nhiều CĐV đã đánh cả công an, bảo vệ.
CĐV đánh nhau khiến nhiều người bị thương.
Các cầu thủ Việt Nam khi đi thi đấu sân khách luôn có tâm lý lo sợ bị… đánh. Cứ ra sân ở sân khách, nếu cầu thủ đá hay, cũng có thể bị ăn cháo chửi. Còn nếu lỡ va chạm với đội bạn, thì không chỉ cháo chửi, mà còn bị cả CĐV đội chủ nhà đuổi đánh. Ở V-League đã từng có trường hợp CĐV đuổi đánh cầu thủ đội bạn và cả cảnh sát ngay dưới sân cỏ.
CĐV đuổi đánh cầu thủ đội bạn, đánh trọng tài và cả công an khi vào can ngăn.
Ném vật thể lạ xuống sân
Ghế nhựa, mũ cối, chai lọ... đều xuất hiện trên đường piste.
Ở sân Hàng Đẫy, BTC đã phải cấm các CĐV không được mang chai nước vào sân để tránh tình trạng CĐV ném nhau và ném xuống sân. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều vật thể lại “tung bay” trên các sân vận động mỗi tuần. Việc ném chai lọ đã quá quen rồi. Thậm chí cả gậy gộc, ghế nhựa lẫn mũ cối… đều nằm dưới đường piste. Thậm chí các cầu thủ đội bạn đứng trên khán đài CĐV đội nhà, không biết vô tình hay cố ý mà lĩnh trọn cả cái chai vào đầu khiến bị chấn thương như Mai Xuân Hợp.
Những băng rôn, khẩu hiệu thiếu tinh thần thể thao
Tấm bảng mà CĐV SLNA đã "dành tặng" Công Vinh.
Các CĐV thường “dành tặng” cho đội bạn những băng rôn chê bai, khích bác, nói đểu hay dìm hàng… Trong trận chung kết V-League vừa qua giữa HN T&T và SLNA, các CĐV SLNA không chỉ liên tục cho Công Vinh ăn cháo chửi mỗi khi anh có bóng, mà còn dành tặng cho anh cả một bảng khẩu hiệu khá “khó chịu”: “Vinh ơi! Tiên nè”.
Những con sâu làm rầu nồi canh của các CĐV V-League khiến nhiều người nhìn vào V-League mà ngán ngẩm. Những việc làm phi thể thao đó, liệu có khiến đội nhà thi đấu tốt hơn, hay các CĐV đã làm chính cầu thủ mà họ yêu mến phải buồn lòng?