Nếu VFF nghe lời bầu Đức sa thải HLV Miura?

Lê Thương , Theo Trí Thức Trẻ 08:30 15/09/2015

Nếu như VFF nghe theo lời ông bầu phố núi sa thải HLV Miura, không biết tương lai của ĐT Việt Nam sẽ ra sao.

Kế hoạch HAGL hóa đội tuyển 

Nguyên nhân chính khiến bầu Đức nhận lời vào ghế Phó chủ tịch VFF mà chính ông cũng thừa nhận là muốn bảo vệ lứa cầu thủ học viện HAGL JMG của mình. Một trong những điều kiện ông đưa ra khi ngồi vào ghế này đó là VFF phải xây dựng đội tuyển dựa trên nòng cốt là các cầu thủ HAGL. Vậy nếu VFF nghe theo lời bầu Đức HAGL hóa đội tuyển và xây dựng nòng cốt dựa trên những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... thì bây giờ ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam đang ở đâu? 

Thực ra, chuyện một CLB làm nòng cốt cho đội tuyển là phổ biến. Những năm 1998-2000, ĐT Việt Nam có tới 11 cầu thủ của Thể Công lên tuyển, trong khi đó đội tuyển Tây Ban Nha thống trị thế giới được xây dựng trên nòng cốt lối chơi và con người của Barcelona. Cái lợi lớn của việc xây dựng đội tuyển trên nòng lực lượng và lối chơi của CLB là việc các cầu thủ được làm quen với một triết lý bóng đá đặc trưng và dễ tìm được tiếng nói chung hơn. 

Tuy nhiên, muốn làm được điều ấy thì điều kiện cần là CLB đó phải có lối chơi ưu việt nhất, với những cầu thủ tốt nhất. Barcelona với những con người và lối chơi đã tiệm cận hoàn hảo với những ngôi sao hàng đầu thế giới thì HLV ĐTQG không dại gì từ bỏ triết lý đã được xây dựng sẵn. Thể Công ngày trước hay B.Bình Dương, Hà Nội T&T bây giờ thống trị V.League bởi lối đá đẹp mắt, thuyết phục, cùng những ngôi sao hàng đầu thì lẽ dĩ nhiên các cầu thủ của những đội bóng này sẽ chiếm đa số ở tuyển. Điều ấy hoàn toàn dễ hiểu và công bằng. 

IMG_2684 copy-c7e50
HLV Miura từng gọi lên tuyển gần nguyên đội hình HAGL nhưng sau đó phải trả về gần hết

Thế nhưng, nếu theo kế hoạch của bầu Đức, HAGL hóa đội tuyển thì đó là câu chuyện khác. Các cầu thủ HAGL mới bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp nhưng lại ngẫu nhiên được khoác áo tuyển. HAGL đá đâu thua đó, nên nếu những cầu thủ của đội bóng này nếu làm nòng cốt cho đội tuyển, chưa xét đến chuyện đội tuyển có mạnh hay không thì cũng gây nên bất bình với các đội bóng còn lại, những cầu thủ còn lại. 

Thử tưởng tượng những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... còn khốn đốn và chưa khẳng định ở sân chơi V.League, thì liệu họ có đủ sức để tranh tài với các đội bóng khác ở Đông Nam Á chứ chưa nói đến khu vực châu Á. Ở đây là cấp độ U23 và ĐTQG chứ không thể đem so với cấp độ U19 vốn không được tính là sân chơi chuyên nghiệp. 

Thực tế, HLV Miura lúc đầu đã gọi lên ĐT U23 tới 11 cầu thủ HAGL (9 cầu thủ ban đầu, 2 bổ sung), nhưng duy nhất chỉ Công Phượng trụ được. Điều ấy, cũng cho thấy các cầu thủ HAGL không hề nhỉnh hơn những đội bóng khác. 

Bầu Đức đã sai khi đôn nguyên lứa Công Phượng lên chơi V.League và việc HLV Graechen cho thấy triết lý bóng đá của họ thất bại ở sân chơi chuyên nghiệp. Thế nên, không khó để hình dung nếu như VFF nghe lời bầu Đức sử dụng nguyên lứa này cho ĐT U23 và để HLV Graechen lúc đấy làm HLV trưởng thì đội tuyển sẽ như thế nào? 

Bầu Đức nghĩ cho bóng đá Việt Nam hay cho riêng HAGL? 

Người ta đã dùng rất nhiều cụm từ có cánh để ca ngợi bầu Đức với những phát biểu hoàn toàn vì bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng ông Đức là một doanh nhân làm bóng đá, và với một doanh nhân thì điều đầu tiên khi họ làm ngoài đam mê ra thì phải có lãi. Bầu Đức đi lên từ bóng đá, xây dựng thương hiệu cũng nhờ bóng đá, không thể phủ nhận bóng đá mang lại cho ông rất nhiều thứ không thể đong đếm được. 

Hơn 1 lần bầu Đức thừa nhận rằng, sở dĩ ông ngồi vào chiếc ghế phó chủ tịch VFF đơn giản là được hứa xây dựng đội tuyển dựa trên lứa cầu thủ HAGL. Những cầu thủ từ học viện mà ông đã bỏ cả trăm tỷ để đầu tư cần phải được bảo vệ và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, sẽ là thất bại nếu như những cầu thủ ấy không được khoác áo đội tuyển. 

Tất cả những phát biểu của ông Phó chủ tịch tài chính của VFF đều liên quan mật thiết đến lợi ích của HAGL. Ngay cả việc ông yêu cầu HLV Miura bị sa thải cũng nằm lý do này. 

LT10 copy-099ca

Ông Đức khẳng định sẽ tự mình kiếm cho đội tuyển một ông thầy chất lượng. Tuy nhiên, bầu Đức không phải là người giỏi trong việc chọn nhà cầm quân, bởi ở HAGL suốt 10 năm chơi ở V.League chưa bao giờ có huấn luyện viên thực sự giỏi. Người hâm mộ chỉ nhớ tới Kiatisuk và những cầu thủ Thái Lan kết hợp trong đội hình cùng những tuyển thủ Việt Nam, chứ chẳng mấy ai nhớ được HLV dẫn dắt HAGL lúc ấy là ai. 

Thất bại trong việc tin tưởng vào HAGL Graechen cũng cho thấy tài "dùng HLV" của bầu Đức như thế nào. Và cũng nên nhớ rằng, việc HLV Quốc Tuấn giúp HAGL trụ hạng thành công chỉ sau 4 trận cầm quân, hoàn toàn chỉ mang yếu tố may - rủi, bởi ông Tuấn buộc phải là người "đóng thế". 

Điều đáng nói hơn, tại sao bầu Đức lại chạy đôn, chạy đáo nhất quyết phải sa thải HLV Miura đến vậy, và sau đó còn khẳng định sẽ tìm HLV cho đội tuyển, trong khi ông không hề làm chuyên môn và ngay chính đội bóng của ông cũng đang thất bại và cần HLV chuyên trách.