Hàng chục năm về trước, bóng đá là cuộc chơi thuần túy giữa con người với con người. Nhưng cùng với sự phát triển của môn thể thao vua, rất nhiều máy móc và các nhà khoa học thể thao xuất hiện nhằm tối ưu hóa khả năng của các cầu thủ.
Liệu NHM có biết rằng, các nhà khoa học từng đưa cú sút phạt huyền thoại của David Beckham lên máy tính để phân tích. Người ta tính được điểm đặt trụ của Becks nghiêng ở góc bao nhiêu độ, bàn chân Becks tiếp xúc với điểm nào của trái bóng để đưa quả bóng vừa mạnh, vừa đạt độ cong hoàn hảo. Họ đã tính ra được những con số và điều đó đồng nghĩa với việc rồi đây, sẽ xuất hiện một ai đó có thể tái hiện lại kỹ năng sút phạt của Becks.
Sự hiện đại của khoa học kỹ thuật đang biến bóng đá thành cuộc chơi giữa con người và máy móc. Hãng trang bị thể thao Nike từng giới thiệu một đoạn clip quảng cáo vô cùng nổi tiếng: Họ dùng máy móc nhân bản hàng loạt siêu sao bóng đá như Neymar, Ronaldo, Rooney, Ronaldinho… đưa vào một CLB và đội bóng đó dễ dàng trở nên bách chiến bách thắng. Đó là một lời cảnh báo cho bóng đá.
Nhưng có lẽ mọi ý định robot hóa bóng đá đều sẽ bất lực trước Lionel Messi, một cầu thủ mà không có bất kỳ máy móc nào có thể tính được quy luật chơi bóng của anh.
Nếu có một hậu vệ nào trên thế giới dám nói rằng: Tôi bắt bài được Messi, anh ta chắc chắn là kẻ nói dối khôi hài nhất. Vì Messi đá bóng không có bài. Đôi chân của Leo có lẽ còn nhanh hơn cả khả năng tư duy của đối phương. Tức là nếu như các cầu thủ khác đá bóng theo công thức: Đầu tư duy, sau đó điều khiển đôi chân thực hiện tư duy đó, thì với Messi, đôi chân và khối óc của anh là một.
Có một nhà báo từng nói vui rằng, nếu như mắt chúng ta nhìn quả bóng lăn một cách bình thường, với tốc độ bình thường, thì mắt Messi nhìn mọi thứ theo dạng… quay chậm. Và vì tất cả mọi thứ xung quanh đều chậm hơn Messi, anh dễ dàng khống chế được mọi tình huống dù là bất lợi đến nhường nào.
Nếu NHM xem trận đấu mà Argentina vừa hủy diệt Paraguay 6-1 tại bán kết Copa America rạng sáng qua, các bạn sẽ nhớ chi tiết nào? Với tôi, đó là chi tiết Messi bị kẹp giữa 2 hậu vệ Paraguay và cả 2 cầu thủ đó chắc chắn đều muốn triệt hạ Leo. Nhưng bằng tốc độ không thể tin được, Messi đẩy quả bóng qua háng Bruno Valdez khiến cầu thủ này bỗng dưng lại tung cú chuồi bóng trúng người đồng đội của mình. Tình huống thoát hiểm của Leo diễn ra có lẽ chỉ trong vòng chưa tới 1 giây. Không máy móc nào tính được tình huống đó cả. Đó là bản năng phi thường của Messi.
Vậy nên thay vì cố gắng tìm ra một quy luật để nhân bản Messi, để chúng ta mãi mãi được chứng kiến những Messi version 2, 3, 4 nối tiếp cảm hứng tuyệt vời lúc này, hãy tự bằng lòng với hiện tại: Messi sinh ra để tận hưởng bóng đá chứ không phải để nhân bản.
Điều khiến Messi trở nên đặc biệt chính là việc anh là độc nhất, là duy nhất. Anh đưa bóng đá về với giá trị của hàng chục năm trước, khi người ta hơn thua nhau bằng tài năng, chứ tuyệt đối không có sự trợ giúp của máy móc hiện đại. Với các nhà khoa học bóng đá, Messi đích thực là kẻ thù số 1 của bóng đá.
Nhưng họ buộc phải chấp nhận thực tế: Đôi khi, đẹp đơn giản là đẹp. Có những vẻ đẹp để cảm nhận chứ không phải để phân tích. Nụ cười nàng Mona Lisa muôn đời bí ẩn, vì nó đẹp, nó bí ẩn chứ không phải nó giống với tất cả những nụ cười khác.