U21 Việt Nam đá sân nhà như sân khách
Giữa hiệp 2, thời điểm U21 Việt Nam đang dẫn trước U21 HAGL với tỷ số 2-1, hậu vệ Văn Dũng của U21 Việt Nam bị chấn thương nằm sân. Cho rằng cầu thủ này giả vờ câu giờ, số đông khán giả có mặt trên sân đã la ó, thậm chí dành những lời chửi rủa cầu thủ số 4 của U21 Việt Nam. Đó cũng có thể xem là một phần nguyên nhân khiến cho Văn Dũng bị sức ép tâm lý và sau đá hỏng quả penalty trong loạt sút luân lưu.
Các cầu thủ U21 Việt Nam chạy ra khu vực khán đài ăn mừng bàn thắng nhưng không nhận được sự hưởng ứng tương ứng
Trước đó, ngay khi trận đấu nhập cuộc, hơn 10 nghìn CĐV có mặt trên sân hầu như chỉ vỗ tay cổ vũ cho HAGL. Mỗi khi đội bóng phố núi có bóng, khán đài gần như vỡ tung. Còn khi các cầu thủ U21 Việt Nam triển khai tấn công, thì sân vận động im lặng. Cầu thủ Thanh Bình và Võ Lý, những người không được đăng ký thi đấu ở giải này ngồi trên khán đài đã phải thốt lên:
Đá ở Việt Nam mà cứ ngỡ đá bên Thái Lan.
Quả thực, sự cổ vũ thiên về HAGL đã khiến những phút đầu U21 Việt Nam có phần bị căng cứng về tâm lý và thường xuyên xử lý bóng hỏng. Cho đến khi trận đấu bước qua được hơn 20 phút họ mới tìm lại nhịp độ và sự bình tĩnh.
Hậu vệ Văn Dũng đá bên biên trái gần khán đài nên thường xuyên nhận những lời la ó từ khán giả.
Dẫu vậy, hình ảnh khi Công Phượng ghi bàn cho U21 HAGL thì toàn bộ khán đài vỡ òa, trong khi các cầu thủ U21 Việt Nam ghi bàn chỉ có vài tiếng vỗ tay cũng khiến nhiều người không khỏi ái ngại cho các cầu thủ trẻ U21 Việt Nam về cách đối xử thiên vị của người hâm mộ.
Thực tế, sự thiên vị của khán giả là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đọ sức giữa 2 đại diện Việt Nam trở nên nóng như lửa từ giải đấu năm ngoái cho đến năm nay. Thậm chí, dù chỉ là giải đấu giao hữu nhưng HLV của 2 đội đã đốp chát với nhau trong phòng họp báo với những lời lẽ thậm tệ. Có người bảo, chính sự thiên vị của khán giả đã tạo nên sự căng thẳng không đáng có ở 2 đội bóng trẻ như thế?
Lỗi của ai?
Phải sòng phẳng rằng, U21 Việt Nam không phải là đội bóng đại diện cho ĐT U21 Việt Nam theo đúng nghĩa. Đây chỉ là đội bóng được thành lập trong vòng 1 tháng rồi sau đó giải tán của đơn vị tổ chức giải. Nghĩa là, đội bóng này ngay từ đầu đã không có lượng fan của mình, trong khi đó HAGL đã có lực lượng CĐV hùng hậu kể từ khi lứa Công Phượng thi đấu ở các giải U19 rồi lên V.League.
Nói cách khác, chuyện CĐV cổ vũ cho HAGL chứ không phải U21 Việt Nam là điều không hề bất ngờ và cũng là chuyện bình thường. Vì người hâm mộ họ bỏ tiền vào sân xem, họ có quyền để cổ vũ cho đội bóng nào mà họ yêu quý. Số đông cổ vũ cho một đội bóng đã có thương hiệu là chuyện bình thường, chứ cổ vũ cho đội vừa được thành lập của BTC giải mới là bất thường.
Tuy nhiên, những cầu thủ trẻ xuất sắc hàng đầu Việt Nam, được tuyển chọn bởi hội đồng chuyên môn hẳn hoi không đáng phải bị đối xử như thế. Đặc biệt, khi họ bị đánh tráo khái niệm và ngộ nhận đang khoác trên mình chiếc áo của đội tuyển, dù thực chất là đội bóng của BTC giải đi chăng nữa, thì đấy cũng là đội tuyển chọn từ giải đấu U21 Quốc gia, do VFF quản lý.
Khán giả thiên vị HAGL rõ rệt trong trận bán kết với U21 Việt Nam.
Cái không đáng ở đây chính là sự ức chế trong tâm lý dễ đưa đến nhìn nhận trong cầu thủ trẻ rằng khoác áo đội tuyển đã không còn là một cái gì đó quá lớn lao, vì không được người hâm mộ ủng hộ. Sự tranh cãi, những mâu thuẫn từ đó xuất hiện kể từ giải đấu năm ngoái và âm ỉ đến bây giờ.
Cuộc đấu giao hữu giữa 2 đội bóng trẻ vì thế được nâng lên giống như một trận siêu kinh điển với đủ thứ cung bậc gay cấn cho đến nhố nhăng bên ngoài.
Nhiều người cho rằng, BTC đã lập nên một đội bóng thì phải có trách nhiệm tạo lập nên lực lượng cổ động cho đội bóng ấy. Thực tế, BTC và nhà tài trợ đã mời một nhóm hoạt náo viên mang danh CĐV mặc áo đỏ sao vàng ngồi khu vực khán đài C để cổ vũ cho U21 Việt Nam tại giải đấu, nhưng ở trận đấu bán kết vừa qua, nhóm hoạt náo viên này lại nhiều lần hô vang "HAGL chiến thắng".
Thế thì biết trách ai bây giờ?