HLV Miura - nguyên nhân hay nạn nhân của bóng đá Việt Nam?

Hoàng Linh , Theo Trí Thức Trẻ 10:43 17/10/2015

Làn sóng chỉ trích nhà cầm quân người Nhật một lần nữa lại dâng cao sau trận thua đậm trước Thái Lan. Nhưng…

Câu cửa miệng vẫn được nhiều cổ động viên bóng đá Việt Nam thường nói là: “Ferguson hay Mourinho về đây cũng thế thôi”. Ám chỉ phía sau đó không gì khác ngoài sự bất cập và yếu kém mang tính hệ thống của cả nền bóng đá.

Khi đưa ra những chỉ trích hướng về nhà cầm quân người Nhật sau trận thua 0-3 của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan, dường như ít người nghĩ đến kết quả 0-6 của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan trong trận chung kết U19 Đông Nam Á 2015 diễn ra cách đây chưa lâu.

Đi tìm nguyên nhân của thất bại vừa nhắc, điều rút ra là nền tảng bóng đá phong trào và bóng đá học đường của nước bạn tốt hơn hẳn những gì hầu hết lò đào tạo của Việt Nam đang thực hiện.

Đội tuyển U19 Thái Lan được xây dựng bằng cách tuyển chọn cầu thủ rộng khắp trên cả nước. Sau đó, họ được đặt trong một hình thái chiến thuật và lối chơi nhất quán từ đội quyển quốc gia để tìm ra những gương mặt phù hợp. Quá trình tập trung của U19 Thái Lan cũng ngắn ngày hơn so với U19 Việt Nam.

Chan-a3f2d

Sở dĩ bóng đá xứ sở chùa vàng làm được như vậy bởi họ có nền tảng rất tốt. HLV Hoàng Anh Tuấn của U19 Việt Nam cho biết: “Bóng đá phong trào của Thái Lan phát triển rất mạnh. Hầu như mỗi trường học, con phố đều có các sân đá bóng. Nếu ở Việt Nam mới chỉ có một Học viện HAGL Arsenal JMG thì ở Thái Lan có hàng chục học viện như vậy”.

Cơ sở nêu trên là nguồn cung dồi dào nhân lực cho các cấp độ đội tuyển và tạo ra sự tiếp nối giữa những thế hệ cầu thủ. Nói như tiền đạo Công Vinh: “Bóng đá Thái Lan làm được điều này, còn chúng ta thì không”.

Không dừng lại ở đó, Thai League hiện tại cũng được đánh giá là giải vô địch quốc gia hàng đầu trong khu vực. Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, cơ cấu của bóng đá Thái Lan được xây dựng theo đúng mô hình kim tự tháp với 18 đội ngoại hạng, 20 đội hạng nhất, hơn 20 đội hạng nhì và lên xuống hạng mỗi giải tới 3 đội. Trong khi đó, V.League lúc này gồm 14 đội, giải hạng nhất gồm 8 đội và chỉ duy trì một suất lên xuống hạng. 

Nguyên tắc bất di bất dịch của mọi nền bóng đá là đội tuyển quốc gia được hình thành từ giải vô địch quốc gia. Một giải vô địch mạnh là nền tảng để tạo ra một đội tuyển mạnh. Nếu xét theo tiêu chí này, một lần nữa bóng đá Việt Nam lại khó sánh được với Thái Lan.

Mức độ tự chủ về tài chính của các CLB thay vì phụ thuộc vào tiền túi của ông bầu, hay khả năng tổ chức giải đấu chuyên nghiệp, cuốn hút, tương ứng là việc lôi kéo khán giả đến sân… cũng là những khía cạnh khác bóng đá Thái Lan thể hiện sự vượt trội so với bóng đá Việt Nam.

miu-a3f2d
   
Trước khi HLV Miura bắt tay vào công việc tại Việt Nam, đội tuyển Việt Nam mới vỏn vẹn 2 lần giành chiến thắng trước Thái Lan. Lần đầu là trận bán kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup). Lần thứ hai là trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008. 

Còn bóng đá xứ sở chùa vàng đến lúc này giành chiến thắng tới 14 lần. Chỉ số đối đầu phản ánh sự chênh lệch quá lớn về đẳng cấp và trình độ giữa 2 nền bóng đá.

“Không bột sao gột nên hồ”, nên sẽ không công bằng nếu cho rằng thất bại mới nhất của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan là sản phẩm cá nhân của nhà cầm quân người Nhật. Nó phải được tính là hệ quả của một nền bóng đá đã lên chuyên nghiệp 15 năm song vẫn loay hoay với 2 từ “chuyên nghiệp”.

Tất nhiên, với tư cách HLV trưởng, ông Miura phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Nhưng nhà cầm quân người Nhật giống hơn với một nạn nhân của thời thế, hơn là nguyên nhân dẫn đến điều đó.