HAGL làm nòng cốt U23 hay là sự thiếu công bằng của những nhà quản lý

Dũng Lê, Theo Trí Thức Trẻ 14:05 10/12/2015

Việc một đội trẻ cấp CLB thi đấu trong một giải giao hữu quốc tế thành công, trên mọi mặt, không thể là tiền đề để đi đến kết luận rằng họ phải là “nòng cốt” của đội tuyển quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ vào ngày 03/12, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Lê Hùng Dũng cho biết ông ủng hộ ý tưởng chọn các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt đội tuyển dự SEA Games 2017.

“Không chỉ tôi, những ai yêu bóng đá cũng luôn mong muốn U-22 hay U-23 VN phải là một tập thể mạnh và đồng đều về các tuyến. Giấc mơ đoạt HCV SEA Games chỉ có thể đến khi chúng ta đến SEA Games 2017 bằng đội hình mạnh nhất. Riêng mình, tôi ủng hộ quan điểm chọn cầu thủ HAGL làm nòng cốt, có bổ sung những cầu thủ xuất sắc nhất của các CLB, lò đào tạo trên toàn quốc để thi đấu ở SEA Games 2017", ông Dũng đưa ra quan điểm ủng hộ bầu Đức.

 Ông Lê Hùng Dũng ủng hộ quan điểm lấy cầu thủ HAGL làm nòng cốt U23 Việt Nam.

Chưa bàn tới việc liệu chuyên môn của ông Miura có phù hợp hay chưa phù hợp, nhưng rõ ràng có một điều gì đó không ổn trong cách 2 nhà lãnh đạo của VFF chọn sẵn nòng cốt cho đội tuyển U22 quốc gia.

Việc một đội trẻ cấp CLB thi đấu trong một giải giao hữu quốc tế thành công, trên mọi mặt, không thể là tiền đề để đi đến kết luận rằng họ phải là “nòng cốt” của đội tuyển quốc gia.

 Công Phượng và Tuấn Anh dù là công thần của HAGL, nhưng không nhận được quá nhiều ưu ái khi lên tuyển.

Qui tắc lựa chọn như vậy sẽ là không công bằng. Dư luận cho thấy chính sách này không nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia cũng như phần đông người hâm mộ. Quan trọng hơn, chính các cầu thủ U22 chuyên nghiệp, có nguyện vọng và khả năng cống hiến trên khắp cả nước cảm thấy thiệt thòi nếu họ không được chọn.

 HLV Miura lựa chọn cầu thủ lên tuyển theo tiêu chí phù hợp với sơ đồ chiến thuật của ông.

Vậy như thế nào là công bằng? Công bằng trong trường hợp này nên là “cơ hội cho tất cả”. Tất cả các cầu thủ độ tuổi U22 có trình độ đều phải nhận được cơ hội lựa chọn như nhau. Ở đó, tùy theo tiêu chí của ban huấn luyện, những cầu thủ có trình độ cao nhất, hoặc đáp ứng các tiêu chí cần thiết nhất cho tập thể, sẽ được lựa chọn.

 Dàn cầu thủ U21 HAGL lên ngôi tại Giải U21 Quốc tế 2015.

Nhìn ra thế giới, việc một đội tuyển cấp quốc gia có thành phần quan trọng là các cầu thủ đến từ cùng một CLB là không phải hiếm. Ở Italy, CLB Juventus là “nguồn lực” số một cho đội tuyển. Ở Đức là Bayern Munich. Ở Anh từng một thời là Liverpool, gần đây hơn là Manchester United. Ở Tây Ban Nha là Barcelona và Real Madrid...

 Đội tuyển Tây Ban Nha trong nhiều năm liền đều lấy nòng cốt là các cầu thủ Barcelona và Real Madrid.

Và rồi người ta dễ dàng nói rằng “nòng cốt” của ĐTQG ấy là những cầu thủ từ một số CLB nhất định kể trên. Nhưng sự công bằng là tiêu chí luôn được đảm bảo hàng đầu. Sẽ không thể có bất kỳ một vị lãnh đạo cấp cao nào của một liên đoàn bóng đá nào đăng đàn phát biểu rằng “nòng cốt” đội tuyển là các cầu thủ từ một CLB nhất định từ trước khi danh sách được công bố.

Bởi công khai lựa chọn sẵn một “nòng cốt” ở một CLB nhất định, đồng nghĩa rằng cơ hội cho các cầu thủ tại CLB đó tăng lên, còn cơ hội cho các cầu thủ từ những CLB khác giảm đi rất nhiều.

Người ta có thể chấp nhận sự thật rằng dù có đưa ra “cơ hội cho tất cả” đi chăng nữa thì cuối cùng một số cầu thủ nhất định vẫn sẽ được triệu tập mà thôi, nhưng đó vẫn là một tiêu chí nhân văn cần được giữ gìn.

Tôi nhớ tới một câu chuyện ở đất nước hàng xóm cùng khu vực Đông Nam Á – Indonesia. Một người đồng nghiệp của tôi cho biết, thành phố Jakarta khi gặp quá nhiều vấn đề liên quan tới ách tắc giao thông nội thành, đã đưa ra một quyết định hoàn toàn dựa trên tiêu chí bình đẳng, công bằng: giữ nguyên các vỉa hè, thay vì loại bỏ để mở rộng lòng đường.

Lý do rất đơn giản. Nếu như đường phố là dành cho ô-tô, xe máy thì vỉa hè chính là “làn đường” dành cho người đi bộ. Có thể sẽ chẳng mấy ai đi bộ nữa, người ta có thể đã đi ô-tô, xe máy hết. Nhưng cái vỉa hè vẫn cần được gìn giữ, để nếu có người lựa chọn phương án ấy, họ có một “làn” an toàn, hợp pháp để di chuyển.

Cái vỉa hè Jakarta khi ấy trở thành một biểu tượng của sự bình đẳng. Cơ hội di chuyển là dành cho tất cả mọi người.

Tương tự, với bóng đá Việt Nam, câu chuyện chọn ai, triệu tập cầu thủ nào rõ ràng là công việc của nhóm phụ trách chuyên môn trực tiếp - ở đây là các huấn luyện viên. Còn lại, sẽ thật không hay nếu những người quản lý – tức các chủ tịch, phó chủ tịch – đề ra một “nòng cốt” cho U22 Việt Nam trước SEA Games tới gần 2 năm.

 Quan điểm của 2 quan chức VFF gây phản ứng trái chiều.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày