35.000 bảng và 600 triệu bảng là 2 con số đang rất được quan tâm trong vài ngày gần đây.
35.000 bảng là mức thu nhập mà Raheem Sterling, ngôi sao trẻ đang một mình gánh vác cả Liverpool lẫn một phần ĐT Anh, nhận được mỗi tuần. Còn 600 triệu bảng là số tiền mà người Anh chi ra trong 10 năm qua để tạo nên những cầu thủ như Sterling hôm nay.
Hai con số có sự chênh lệch rất lớn, nhưng nó đều hướng đến một bản chất.
NHM có nhớ Man United đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua Luke Shaw không? 30 triệu bảng. Shaw hưởng lương thế nào ở Man United? 100.000 bảng/tuần. Vậy so sánh giữa Shaw và Sterling thấy cái gì? Chênh lệch khủng khiếp. Một cầu thủ gần như vô dụng ở Man United và cầu thủ còn lại là linh hồn của Liverpool lẫn ĐT Anh.
Sterling là tài năng bản địa hiếm hoi của bóng đá Anh.
Vậy cớ sao một cầu thủ ăn không ngồi rỗi ở Man United lại đáng giá 30 triệu bảng và hưởng lương 6 con số, trong khi đó Sterling lại chỉ được trả 35.000 bảng/tuần? Mới đây, Liverpool tuyên bố sẵn sàng nâng lương cho Sterling để giữ anh lại. Họ nâng lên thành… 90.000 bảng/tuần. Tiếp tục là một con số đầy lố bịch và phản cảm đối với những gì Sterling đã đóng góp.
Quay trở lại với con số 600 triệu bảng. 10 năm qua, LĐBĐ Anh đổ tới 600 triệu bảng vào công tác đào tạo trẻ, nhưng có thể nói, Sterling là quả ngọt duy nhất người Anh thu hoạch được. 20 CLB Premier League mùa này chỉ dùng được đúng… 57 cầu thủ trưởng thành từ con số 600 triệu bảng đào tạo. Thật là một sự lãng phí thảm họa.
Hai con số đưa những người yêu mến bóng đá Anh đến một sự ngao ngán tột bậc: Người ta đổ tiền trăm triệu vào đào tạo cầu thủ trẻ và chỉ duy nhất một trường hợp được coi là thành công. Nhưng thành quả đó đang hưởng mức lương 35.000 bảng/tuần, tại một giải đấu mà một cầu thủ ngồi chơi xơi nước cũng có thể kiếm 100.000 bảng/tuần.
Bóng đá Anh luôn đại diện cho sự giàu có, vương giả. Bản quyền truyền hình Premier League vừa bán thu về tới 5 tỷ bảng. Điều đó có nghĩa là một bắt đầu từ mùa bóng tới, một CLB xếp bét bảng Premier League cũng có thể bỏ túi số tiền ngang với CLB nằm trong Top 3 Bundesliga hoặc Serie A.
Premier League là nơi kiếm tiền của các siêu sao ngoại, còn tài năng bản địa chỉ nhận mức lương bèo bọt.
Và điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ tiếp tục trả những mức lương bèo bọt cho các nhân tài bản địa, tiết kiệm tiền để đưa về nước Anh những siêu sao hàng đầu thế giới. Bóng đá Anh rồi sẽ nhộn nhịp những cầu thủ nước ngoài, còn sân chơi cho người bản địa thì ngày càng bị thu hẹp.
Rồi đến một ngày nào đó, khi những cầu thủ Anh đang gánh vác ĐT Anh vào thời điểm hiện tại già đi, giải nghệ giống như Gerrard hay Lampard, người Anh sẽ giật mình nhận ra, họ chẳng có ai lấp vào những chỗ trống đó cả. Hoặc nếu có, thì tài năng đó đang phải lang bạt ở một giải đấu nào đó bên ngoài nước Anh để có thể kiếm về số tiền cao hơn so với mức lương không xứng đáng mà một CLB Anh trả cho họ.
Đó là bi kịch thật sự của người Anh. Bi kịch của những đồng tiền và cái cách người Anh tiêu tiền.