Góc nhìn: Nếu Messi đối mặt với hậu vệ Italia?

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 20:35 01/06/2015

Câu hỏi ấy được đặt ra khi cả thế giới đang phát sốt với cú solo loại 4 cầu thủ Bilbao của Messi ghi bàn mở tỉ số ở trận chung kết Cúp Nhà vua Tây Ban Nha.

Hãy nhớ lại tháng 3/2012, khi AC Milan gặp Barcelona ở Champions League, trong một tình huống Lionel Messi đã ở rất gần bàn thắng rồi, nhưng 1 cú phóng chân thiện nghệ của Alessandro Nesta (khi đó 36 tuổi) đã từ chối cơ hội của El Pulga. Messi trận đó bất lực đến nỗi sau pha bóng ấy còn tức tối đấm thùm thụp xuống sân. Messi khi đó đang ở đỉnh cao phong độ, đã bị kèm chết bởi một ông già 36 tuổi.


Messi từng "tắt điện" khi phải đối đầu với Nesta.

HLV Arrigo Sacchi đã từng chứng minh bằng thực nghiệm rằng phòng thủ bao giờ cũng dễ hơn tấn công: Trong bài tập 5 cầu thủ phòng ngự đẳng cấp cao chống lại 10 cầu thủ tấn công huyền thoại mà ông thường cho các cầu thủ Milan của thế hệ 1988 tập, thì phe tấn công chẳng ghi nổi lấy một bàn, từ năm này qua năm khác, chứ không phải kiểu vặn hết người này đến người khác rồi ghi bàn như lấy đồ trong túi vừa qua của Messi. Điều đang xảy ra lúc này đúng là… KHÔNG THỂ TIN NỔI!

Ở bàn thắng ở trận gặp Bilbao vừa qua của Messi, hẳn nhiều người phải thừa nhận rằng các hậu vệ có phần “ngớ ngẩn”, “ngớ ngẩn” đến không tin được. Messi xuất phát từ biên và rê bóng chỉ theo dọc biên phải, tức là không gian rất hẹp, thế mà 3, 4, rồi 5 hậu vệ vẫn để lọt. Trong lịch sử bóng đá thế giới chắc chưa từng có 1 pha solo nào di chuyển 1 quãng đường dài trên 1 không gian hẹp chơi vơi ở biên thế mà thành bàn. Đó là vị trí vừa dễ cản phá, vừa dễ “đốn giò” đối phương mà không lo quá nhiều hậu quả, vì đa số không thể sút phạt trực tiếp vào gôn từ góc đó. Messi như là vừa dắt bóng trên dây vào lưới vậy.

Nhưng nhìn vào các thống kê quá khứ thì mới thấy không có gì ngạc nhiên: Hậu vệ Liga đơn giản là quá tệ. Kể từ khi Ronaldo sang Liga, thì chưa bao giờ các hàng thủ lại dễ bị bắn phá đến thế: Mùa đầu, Ronaldo đã ghi 33 bàn (Messi mùa ấy ghi 47). Mùa tiếp theo, cả 2 cùng ghi 53 bàn, nhiều hơn 6 bàn so với kỷ lục mọi thời trước đó của Ferenc Puskas vào những năm 1960.

Từ đó đến nay thì khỏi nói rồi: Trong hơn 60 năm qua của lịch sử Liga, tạm loại Messi và Ronaldo ngoài cuộc, cột mốc 30 bàn/mùa chỉ bị phá vỡ 7 lần bởi 7 cầu thủ khác nhau. Trong 6 mùa có CR7 và La Pulga thì cột mốc ấy đã bị mỗi người xô đổ 5 lần. Không hiểu các hậu vệ Liga chơi bóng kiểu gì. Người ta cứ bảo bóng đá ngày một thực dụng hơn, khó ghi bàn hơn, nhưng phải trừ Tây Ban Nha ra. Suốt thời kỳ Messi đá ở La Liga, chỉ có Pepe bằng kiểu đá “đồ tể” được cho là tạm khắc chế được El Pulga vài lần.


Messi đã đi qua tới 4 hậu vệ Bilbao trước khi ghi bàn mở tỷ số trong trận chung kết Cúp Nhà vua Tây Ban Nha.

Quay trở lại với pha solo của Messi, nếu có Nesta lúc đó thì Messi sẽ bắn lên trời sau một cú xoạc. Nếu có Maldini thì Messi có thể sẽ “chột” luôn không dám rê kiểu ấy. Nếu có Ivan Cordoba thôi thì đã lĩnh nguyên một cú cùi chỏ. Nếu có Claudio Gentile thì chắc Messi đã phải khóc hận như tiền bối Diego Maradona năm 1982 vì bị cấu véo quá nhiều. Hoặc chỉ cần Materazzi thôi, thì Messi có thể đã bị đuổi khỏi sân vì một cú “tê giác húc” vào hậu vệ người Ý.

Thế nên bàn thắng solo vừa qua của Messi chỉ đơn giản là tô đậm thêm cho sự “ngớ ngẩn” của hậu vệ La Liga, và dù đẹp mắt lẫn kỳ dị khó tin thật, cũng khó có thể được thừa nhận như 1 pha bóng solo vĩ đại mọi thời.