1. Khi Man City mua được Carlos Tevez từ tay Man United, họ lập tức cho căng một tấm bảng khổng lồ ở trung tâm thủ đô Manchester. Trên tấm bảng viết dòng chữ: Chào mừng đến Manchester.
Đó là một hành động theo kiểu khẳng định chủ quyền của Man City – chủ quyền Manchester. Gã nhà giàu thành Manchester kể từ khi đổ cả đống tiền thay da đổi thịt luôn ôm ấp giấc mộng định danh. Họ muốn mỗi khi người ta nhắc đến Manchester, là nhắc đến Man City.
Để hiện thực hóa giấc mơ ấy, Man xanh luôn cố gắng thắng Man United mỗi khi gặp mặt và thực tế thì nỗ lực ấy cũng đã thành công. 4 trận derby Manchester gần đây nhất, Man City đều là CLB chiến thắng.
Cần phải chú ý thêm một chi tiết: Nếu thắng thêm trận đấu hôm nay, Man xanh sẽ trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử Premier League thắng Man United 5 trận liên tiếp. Đó quả là một động lực kinh điển, đặc biệt với một CLB coi chuyện thắng-thua là dấu hiệu khẳng định chủ quyền như Man xanh.
2. Nhưng nếu Man City cứ hồn nhiên nghĩ rằng, chỉ cần đánh bại được Man United, hay tuyệt vời hơn là bước lên ngai vàng Premier League là chủ quyền Manchester sẽ thuộc về họ quả là một giấc mơ ngây thơ và khôi hài.
Có một yếu tố định danh mà Man City hoặc là không biết, hoặc là cố tình quên: Giá trị thương hiệu. Thắng-thua có thể định đoạt sau 90 phút (hoặc cùng lắm là 120 phút cộng thêm loạt penalty). Chức vô địch cũng chỉ là câu chuyện trong 1 năm thi đấu. Nhưng giá trị thương hiệu là thứ có thể lấy đi của một đội bóng cả vài chục năm.
Chúng ta đều biết rằng, từ năm 2005 – 2012, Man United 7 năm liên tiếp là CLB có giá trị thương hiệu cao nhất hành tinh theo đánh giá của Forbes. Mà nếu xét về thành tích hay chỉ số sức mạnh, họ có thể vô đối ở Premier League, nhưng làm sao sánh bằng Barca, Bayern, Real… Vậy tại sao M.U vẫn vô đối?
Vì họ hội đủ tất cả các yếu tố mà theo chuyên gia thương hiệu hàng đầu người Mỹ David Aaker, là quá đủ để Quỷ đỏ trở thành cái tên quen thuộc bậc nhất hành tinh.
Câu chuyện khá giống với việc rất nhiều người trên thế giới yêu chiếc điện thoại Iphone một cách vô điều kiện mà không biết nó tồn tại bất cập gì. Vì Apple đã đạt đến cái ngưỡng gọi là “love mark”. Tức là thương hiệu Apple dù có sáng tạo ra chiếc Iphone xấu và bất tiện đến nhường nào, nó vẫn được yêu mến.
Cũng giống hệt như Man United vậy. Trong một năm vừa qua, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Man United không hề sụt giảm, dù phong độ của họ là một thảm họa.
Liệu ai có thể tin nổi Quỷ đỏ vẫn ký được bản hợp đồng trị giá 750 triệu bảng với Adidas (cao nhất lịch sử các hợp đồng tài trợ áo đấu Premier League) trong bối cảnh phong độ của họ trên sân cỏ như một trò đùa? Vì Man United, cũng giống như chiếc Iphone của Apple vậy, đã đạt đến ngưỡng “Love k”.
Và để có thể được yêu mến một cách vô điều kiện như Man United, chỉ thắng vài trận derby, chỉ vô địch Premier League thôi… là chưa đủ. Man United vẫn luôn và sẽ mãi là Vua Manchester.