Những cơn sốt ảo
Một anh chàng hát cực dở, bỗng chốc nổi tiếng và trở thành từ khóa hot nhất trong năm qua của cư dân mạng, một chàng trai tự biến mình thành gã hề một cách kệch cỡm với những chiêu trò phản cảm cũng tạo nên một cơn sốt trên mạng. Hầu như, mỗi tháng chúng ta lại được chứng kiến một vài cơn sốt khiến mạng xã hội chao đảo bởi tâm lý đám đông như thế. Câu nói cảm thán vu vơ “đắng lòng” cũng đủ để thành một trào lưu, chuyện cái app chế ảnh Võ Tắc Thiên đầy phản cảm trên facebook hiện nay cũng nằm trong cái quy luật ấy.
Trong một xã hội mà con người đang sống nhanh và thiếu đi những giá trị thật, thì những giá trị ảo lên ngôi. Sự phụ thuộc lớn vào công nghệ khiến con người lười tư duy hơn, và ở đó tâm lý đám đông dễ hình thành.
Liệu cái tên Công Phượng, U19 hay HAGL có nằm trong quy luật ấy?
Có rất nhiều yếu tố để tạo nên “cơn sốt” Công Phượng và đồng đội khi họ xuất hiện. Những đứa trẻ của bầu Đức hội tụ những cái mà trước nay bóng đá Việt Nam không có và khiến tất cả phải chán nản quay lưng. Công nghệ truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc biến những cầu thủ trẻ trở thành những người hùng có thể cứu vãn cả nền bóng đá. Những phát ngôn đầy hứng khởi, thậm chí đưa lên tận mây xanh của những vị lãnh đạo càng là chất xúc tác khiến cơn sốt ấy được đẩy cao lên.
Công Phượng và đồng đội cũng có đủ những câu chuyện khiến tất cả đều phải tò mò, với những Scandal mà câu trả lời đến bây giờ vẫn chưa thể tìm thấy. Tất cả tạo nên một cơn sốt, một hiện tượng đáng chú ý và quan tâm nhất.
Nhưng suy cho cùng, tất cả những cơn sốt đều bị giảm nhiệt khi mà người ta đã nhận ra giá trị thật của nó. Những người rồng rắn mua vé vào xem Công Phượng và đồng đội thi đấu trong đó quá nửa là những người chưa bao giờ xem bóng đá, họ đến chỉ vì tò mò muốn được xem những con người đang tạo nên “cơn sốt” mà báo chí, truyền thông hàng ngày vẫn không ngừng nhắc đến.
Đâu là giá trị thật?
Khi trận đấu giữa HAGL và Thanh Hóa còn 10 phút nữa mới kết thúc, rất đông khán giả phố núi, những người đã vất vả chen lấn mới có vé vào sân, đã kéo nhau ra về, dù đội chủ nhà lúc ấy vẫn đủ thời gian để có được 1 điểm, thậm chí giành chiến thắng.
Có rất nhiều cách để lý giải cho hành động này. Có thể họ thất vọng với màn trình diễn của đội nhà, có thể họ không tin đội bóng của ông Graechen đủ khả năng để lật ngược tình thế… Dù lý giải thế nào chăng nữa, thì hình ảnh ấy cũng cho thấy, “cơn sốt” mang tên Công Phượng và đồng đội đang tỷ lệ thuận với thành tích của đội bóng phố núi.
Có một sự thật rằng Công Phượng và đồng đội mới chỉ bước qua tuổi 20, nhưng họ lại phải gánh trên vai những sứ mệnh nặng nề từ những người đã tạo nên “cơn sốt ảo”. Họ buộc phải đá đẹp, chơi đẹp và không được phép phạm lỗi đối phương, vì đã trót bị gắn cái nhãn “bóng đá đẹp” trong khi bóng đá là một trò chơi đối kháng.
Họ mới chỉ tập từng bước vào sân chơi chuyên nghiệp, và phải đối đầu với những người đàn anh hơn hẳn về tuổi tác lẫn kinh nghiệm. Nhưng họ, vẫn phải bước vào sân với tâm lý tấn công và chiến thắng.
20 tuổi, họ vẫn bị xem như cậu bé. Đến nỗi chỉ vì chuyện hôn một cô nàng ca sỹ cũng đủ khiến người ta tặc lưỡi, lắc đầu.
20 tuổi, họ vẫn bị ông bầu cho rằng chưa đủ tuổi để nhận được tiền lương hàng tháng, mà chỉ gửi về cho gia đình.
Một sự nghịch lý không hề nhẹ, và Công Phượng cùng các đồng đội chỉ là những nạn nhân khi họ đứng trước áp lực, gánh nặng quá lớn so với tuổi của mình. Nhưng lại không đối xử như những người đã trưởng thành.
Tất cả những sự nghịch lý ấy đều bắt nguồn từ cơn sốt với những giá trị ảo mà do chính chúng ta đang tự huyễn hoặc và kỳ vọng một cách thiếu thực tế.
Tới đây, khi cơn sốt ấy giảm nhiệt thì liệu hình ảnh khán giả bỏ về trước khi trận đấu kết thúc có tiếp diễn. Và ai là người sẽ đứng bên cạnh những đứa trẻ của bầu Đức trong lúc khó khăn nhất?
Hỏi cũng đã là trả lời.
Hiệu ứng của HAGL chỉ là hiệu ứng “ảo” Trước khi V.League 2015 khởi tranh đã có nhiều kỳ vọng rằng sự xuất hiện của Công Phượng và đồng đội sẽ khiến các khán đài V.League đông hơn. Thực tế, sau 3 vòng đấu đã qua, số lượng khán giả trung bình chỉ xấp xỉ 8 nghìn người/ trận. Trong khi con số trung bình các mùa giải trước luôn dao động từ 9-10 nghìn người/ trận. Những con số không biết nói dối, và điều ấy cho thấy V.League chưa được hưởng lợi từ hiệu ứng mang tên HAGL. |