Ở những chương trình như thế, để bán được vé người ta phải dùng tên tuổi những ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Đan Trường, Cẩm Ly… để quảng bá hình ảnh. Và hình như Công Phượng và các đồng đội ở U19 Việt Nam (giờ là U19 HAGL) cũng có vai trò tương tự không chỉ ở giải U21 quốc tế này mà còn nhiều giải đấu khác. Nói theo ngôn ngữ makerting: sau khi chinh phục thị trường Hà Nội và Sài Gòn giờ đây “thương hiệu U19” tiếp tục đến với khán giả Cần Thơ và miền Tây..
Hình ảnh Công Phượng tràn ngập trên các poster quảng cáo ở Cần Thơ
Các cầu thủ U19 đang bị vắt kiệt sức vì họ bây giờ là những cái tên gây được nhiều cảm xúc từ người hâm mộ. Nếu nhìn vào những con số thống kê mới thấy giật mình: tính đến thời điểm này U19 Việt Nam đã thi đấu 38 trận trong năm 2014. Trong đó có 18 trận thuộc các giải chính thức, gồm: giải bóng đá U19 Quốc tế, Cúp Hassanal Bolkiah 2014, giải U19 Đông Nam Á và VCK U19 Châu Á. Ngoài ra còn 20 trận đấu giao hữu trong nước và tập huấn nước ngoài.
Chưa kịp nghỉ ngơi bao lâu sau giải U19 Châu Á, đa số các cầu thủ U19 Việt Nam lại phải khoác áo U19 HAGL tham dự giải U21 quốc tế ở Cần Thơ. Với mật độ thi đấu dầy đặc như vậy, những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Sơn… đương nhiên sẽ lâm vào tình trạng quá tải. Cần biết rằng trung bình một tuyển thủ Việt Nam như Công Vinh hay Thành Lương mỗi năm chỉ chơi khoảng 30 trận. Những danh thủ quốc tế ở đấu trường đỉnh cao cũng chỉ chơi bóng xấp xỉ 40-45 trận/năm ở cả màu áo ĐTQG và CLB.
Với U19 Việt Nam (đa số tuyển thủ của U19 HAGL) họ đang phải chịu đựng một cường độ quá mức. Sau giải U21 quốc tế, họ sẽ phải tiếp tục chinh chiến ở giải sinh viên Đông Nam Á mới có thể kết thúc năm 2014 đầy mệt mỏi. Với nền tảng thể lực như vậy, U19 của chúng ta lại còn bị "mặc định" phải thể hiện lối chơi đẹp, phóng khoáng và "không mất dạy" như lời tuyên bố của bầu Đức.
Cầu thủ U19 có dấu hiệu quá tải vì lịch thi đấu quá dầy
Ông chủ của HAGL thường xuyên kêu gọi truyền thông giảm bớt quan tâm tới U19 để những Công Phượng, Tuấn Anh… đỡ bị áp lực. HLV Guillaume Graechen cũng thường tuyên bố như vậy. Nhưng một đằng kêu gọi truyền thông đỡ chú ý, một đằng lại liên tục cử các học trò mình thi đấu ở các giải dù quan trọng hay không. Như vậy chẳng khác nào Kenny Sang, một mặt kêu "để cho tôi yên" mặt khác tiếp tục tung ra những phát ngôn "khoe khoang đến rùng mình".
Cách đây vài tuần, VTV có phát một phóng sự tựa đề: “Ai hưởng lợi từ U19 Việt Nam" trong đó có hình ảnh hớn hở của một bà phe vé đến tiếng hét khản giọng của ông chủ tịch Liên đoàn khi các cầu thủ chúng ta vô địch một giải giao hữu.
Và rồi, những
Công Phượng, Tuấn Anh… phải tiếp tục bước vào những giải đấu liên tiếp giống như những ngôi sao phải chạy show hết sân khấu này đến sân khấu khác biểu diễn. Phải chăng họ đang dần trở thành một gánh xiếc rong?