Bóng đá Việt Nam và nỗi ám ảnh tiêu cực

Bongda, Theo 12:56 02/03/2013
Chia sẻ

Nghi án tiêu cực trong trận Siêu Cup đã khiến những người tổ chức giải phải cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn tiêu cực lại không phải chuyện đơn giản.

Trong vài năm trở lại đây, nạn tiêu cực trong bóng đá Việt Nam không còn “rầm rộ” như trước. Tuy nhiên, như một quy luật, dường như khi nào còn bóng đá là còn tiêu cực. Tiêu cực không chừa bất kì nền bóng đá nào, đội bóng nào, cầu thủ nào. Những ngày qua, thông tin nhiều CLB ở châu Á bị điều tra tiêu cực càng dấy lên những lo lắng cho V.League-giải đấu vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.

Chống tiêu cực là bài toán mang tính lâu dài, nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để phòng chống có hiệu quả, VFF, VPF cần sự hợp tác của nhiều cơ quan, ban ngành chức năng, trong đó không thể thiếu lực lượng công an.

Trở lại quá khứ, những tiêu cực bị phanh phui ở mùa bóng 2005 như một vết nhơ của lịch sử bóng đá Việt Nam. Khi đó, hàng loạt sự cố có liên quan đến các đội bóng và các trọng tài, các cán bộ quản lý ở các câu lạc bộ dính líu đến tiêu cực.

Bóng đá Việt Nam và nỗi ám ảnh tiêu cực 1
Nỗi ám ảnh tiêu cực luôn hiện hữu trước mỗi mùa giải mới

Nổi đình nổi đám nhất là vụ hàng loạt trọng tài đẳng cấp FIFA của Việt Nam đã dính líu đến đường dây cá độ bóng đá. Vụ tiêu cực liên quan đến các ông vua sân cỏ được xem là phát súng lệnh, mở màn cho chiến dịch “bàn tay sạch” trong bóng đá Việt Nam và đã có 7 trọng tài phải hầu toà.

Vụ bắt giữ sau đó đã mở ra một loạt các chuyên án: Môi giới, hối lộ các trọng tài để dàn xếp tỷ số; Chiến dịch dùng tiền mua chức Vô địch V.League của SLNA trong mùa bóng 2000-2001; Vụ bán độ tại SEA Games 23 của Văn Quyến, Quốc Vượng cùng hàng loạt tuyển thủ U23 quốc gia; vụ án đánh bạc dưới hình thức cá độ với số tiền lên tới hàng triệu USD của cựu cảnh sát Bùi Quang Hưng và “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng cùng các đồng phạm…

Bị “đánh động”, các đội bóng “nằm im thở khẽ” một thời gian. Bóng đá Việt Nam đã có một giai đoạn sòng phẳng và trung thực khiến những nhà quản lý phải thở phào. Tuy nhiên, như đã nói, bóng đá luôn gắn liền với tiêu cực và lần này, tiêu cực trở lại như những bóng ma, luôn ẩn khuất trong bóng tối.

Trước kẽ hở và sự xiết chặt nửa vời của BTC giải, tình trạng đi đêm, mắc ngoặc trọng tài, nhường điểm, liên minh, đánh hội đồng…đã lại diễn ra thường xuyên hơn ở những mùa giải gần đây. Mùa giải 2008, BTC giải đã xử điểm vụ 4 cầu thủ SLNA “thi đấu không hết mình” trong trận gặp HN.ACB.

Tuy nhiên đó là khi CLB SLNA cũng muốn nhờ VFF làm trong sạch nội bộ, nhưng có mấy đội bóng tự giác như SLNA. Mùa giải 2009, khi mà doanh nghiệp đầu tư ồ ạt vào bóng đá, cũng là lúc các đội bóng, các cầu thủ bị đồng tiền chi phối mạnh. Hàng loạt vụ đi đêm trái phép, trả nợ điểm (mỗi đội thắng 1 lượt), cứ đủ điểm trụ hạng là sẵn sàng biến thành một “miếng bánh giá cao” để “phục vụ” các “thượng đế” khát điểm.

Bóng đá Việt Nam và nỗi ám ảnh tiêu cực 2
Công tác trọng tài sẽ được đặc biệt chú ý ở mùa giải này

Ở giai đoạn lượt về năm nào cũng vậy, liên tục những lời cảnh báo đại loại như: “khét mùi”, “cẩn thận củi lửa”… nhưng chuyện vẫn xảy ra. Các đội vẫn thắng, vẫn thua trong sự dự đoán của nhiều người. Với các trọng tài, chưa có vụ việc nào bị phanh phui nhưng cái cách điều hành của họ khiến người xem ngờ ngợ. Đến độ, BTC giải đã phải sử dụng những biện pháp mạnh tay nhất như: tịch thu ĐTDĐ, cấm tiếp xúc với đội bóng trước giờ thi đấu, phân công làm nhiệm vụ sát giờ thi đấu, tăng cường giám sát… nhưng ai dám chắc, sẽ lại không có chuyện như năm 2005.

Những dấu hiệu tiêu cực đã xuất hiện ngày một nhiều hơn sau nghi án tiêu cực trong trận Siêu Cup năm nay, khiến BTC giải, kể cả VFF đã không thể ngồi yên. Trong vai trò của tổ chức có trách nhiệm quản lý và điều hành các giải đấu, VPF biết rằng mình sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường nếu như để lặp lại những vụ án tiêu cực như trong quá khứ.

“Để phòng chống tiêu cực, VFF, VPF sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, đồng thời cho ra đời Ban tư vấn đạo đức. Ban này sẽ giúp chúng tôi tìm các biện pháp ngăn ngừa tiêu cực, những tác động xấu từ bên ngoài vào bóng đá. Phòng chống tiêu cực là vấn đề chung của bóng đá thế giới chứ không riêng bóng đá Việt Nam. Vụ việc liên quan tới trận Siêu Cúp, các bộ phận chức năng đều đã vào cuộc. Chúng tôi đã làm việc với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội”, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết.

Cơ quan công an đã vào cuộc sau trận Siêu Cup và chắc chắn sẽ phối hợp chặt chẽ với VFF, VPF ở mùa giải năm nay. Dư luận xã hội đồng lòng với quyết tâm của VFF, VPF. Tất cả được tập trung cho mục tiêu làm sạch bóng đá, với sự hậu thuẫn lớn của luật pháp. Vấn đề còn lại chỉ là việc có quyết tâm và hiệu quả đến đâu mà thôi!.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày