Vô địch giải giao hữu sướng như vô địch World Cup
Sau khi U21 HAGL lên ngôi vô địch ở giải U21 Quốc tế 2015, người hâm hộ, dư luận và không ít chuyên gia bóng đá đã lên tiếng yêu cầu đội bóng phải là nòng cốt của U23 Việt Nam.
Trong men say chiến thắng mọi người dường như đã quên rằng đây chỉ là giải đấu giao hữu với chất lượng khách mời năm nay còn tệ hơn cả các năm trước. Họ cũng quên luôn rằng, U21 HAGL đã phải nhờ đến sự tỏa sáng cá nhân của Công Phượng mới gỡ hòa được các cầu thủ đồng trang lứa bên phía U21 Việt Nam, đội bóng lấy nòng cốt của U21 Hà Nội T&T và mới chỉ tập trung được 2 tuần, và chỉ chiến thắng nhờ loạt luân lưu may rủi.
HAGL vô địch giải giao hữu và ngay lập tức được yêu cầu phải là nòng cốt của U23 Việt Nam. Ảnh: Lê Thương
Không hề quá nếu nói Công Phượng mang hơn 50 % sức mạnh của HAGL giúp đội bóng này vô địch. Và cầu thủ này lại là ngôi sao duy nhất trong đội hình HAGL được thi đấu thường xuyên trong màu áo U23 Việt Nam cũng như ĐTQG.
Thế nên, khi yêu cầu U23 Việt Nam phải lấy nòng cốt của U21 HAGL, tất cả dường như đã quên đi tập thể những cầu thủ đồng trang lứa với đội bóng phố núi, ít kinh nghiệm hơn nhưng cũng suýt đánh bại họ ở trận bán kết.
Giả dụ, loạt đấu súng may rủi hôm bán kết ấy, nếu U21 Việt Nam giành thắng lợi, liệu người ta có lấy U21 Hà Nội làm nòng cốt cho ĐT U23 Việt Nam hay không?
Trước đó, chính việc vô địch giải đấu này đã khiến bầu Đức phấn khích đôn cả lứa Công Phượng lên đá ở V.League, để rồi họ trải qua thời gian dài đá đâu, thua đó, đến nỗi nhiều người còn bảo chính việc đá V.League có thể khiến cầu thủ HAGL bị thui chột do đốt cháy giai đoạn.
Đánh giá chất lượng chuyên môn của đội bóng chỉ qua một giải giao hữu có thể là một con dao 2 lưỡi hủy hoại chính đội bóng ấy. Đó là điều chính HAGL đã nghiệm được, và họ trụ hạng vất vả là nhờ lứa cựu binh cũng cho thấy điều đó.
Thua 1 trận giao hữu trở thành nỗi ô nhục
Khi B.Bình Dương thất bại trước nhà vô địch Campuchia - Boeung Ket Angkor tại giải giao hữu Mekong Cup vừa qua, dư luận và truyền thông dùng những chỉ trích thậm tệ với đội bóng này. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là nỗi ô nhục quốc gia, hay chứng tỏ bóng đá Việt Nam đã bị Campuchia vượt mặt.
Cần nhắc lại rằng, giải Mekong Cup thực chất chỉ là giải đấu giao hữu với một thể thức thi đấu kỳ lạ mà có lẽ chẳng có giải đấu nào trên thế giới áp dụng khi đội bóng của Thái Lan - Buriam United không cần thi đấu cũng có thể vào thẳng chung kết, trong khi Bình Dương với tư cách nhà vô địch thì đá trận bán kết.
Công Vinh và đồng đội đã nhận cơn mưa gạch đá sau khi để thua đội bóng Campuchia
Chưa hết, trước đó phía Bình Dương cũng đã lên tiếng không hài lòng với việc BTC đưa trận đấu ra Hà Nội thay vì đá ở sân Bình Dương. Phía đội bóng đất Thủ cũng tỏ ra không mặn mà với giải đấu này, khi đa phần các cầu thủ chỉ mới quay trở lại hội quân tập luyện cùng nhau và họ chỉ xem giải đấu này theo kiểu đá cho vui.
Đội bóng đã đánh bại Bình Dương là Boeung Ket Angkor thực chất là Cảnh sát Hoàng Gia Campuchia, đội bóng này trước đó đã từng thua cả đội bóng hạng dưới của Việt Nam là Bình Phước trước khi tham dự giải đấu này. Vậy mà khi Bình Dương thua Boeung Ket Angkor, rất nhiều ý kiến đã cho rằng bóng đá Việt Nam thậm chí đang tụt hậu hơn cả Campuchia.
Không thể phủ nhận đã vào sân, ai cũng muốn chiến thắng, dù đó chỉ là trận giao hữu. Tuy nhiên, nếu chỉ vì kết quả của một trận giao hữu mà vội vàng kết luận trình độ cùng thước đo của cả nền bóng đá thì e rằng hơi khiên cưỡng. B.Bình Dương từng đánh bại cả nhà vô địch Nhật Bản lẫn đội bóng hàng đầu Hàn Quốc, nhưng cũng chẳng ai bảo bóng đá Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc cả.
Tuy nhiên, có vẻ như với bóng đá Việt Nam vào lúc này, các trận đấu giao hữu đang trở thành thước đo để người ta luận anh hùng?!