Khi Balotelli chế giễu Manchester United vì trận thua 3-5 nhục nhã trước Leicester ở Premier League, ắt hẳn “Ngựa chứng” cũng đoán được mình sẽ bị các CĐV đáp trả những lời không tốt đẹp gì. Tuy nhiên, có lẽ bản thân Balotelli cũng không ngờ rằng mình lại nhận đến hơn 8.000 tin nhắn công kích trên mạng xã hội. Trong khi chân sút Liverpool chỉ ghi vỏn vẹn vài chữ “Man Utd... Hahaha”, các CĐV lại “đáp gạch” anh chàng bằng những câu miệt thị nặng nề như “Đi ăn chuối và dính virus ebola đi”, “đồ con khỉ”.
Balotelli chế nhạo MU sau trận thua trước Leicester.
Theo thống kê của tổ chức vì quyền bình đẳng Kick It Out, kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Balotelli đã nhận hơn 8.000 tin nhắn công kích trên mạng xã hội, 52% trong số đó là những câu phân biệt chủng tộc. “Điều này thật sự rất sốc. Chúng tôi biết chuyện này thể nào cũng có nhưng chúng tôi vẫn choáng với số lượng tin nhắn công kích mà các cầu thủ phải nhận”, Roisin Wood, giám đốc Kick It Out, cho biết.
Balotelli nhận đến hơn 8.000 tin nhắn công kích.
Ngoài ra, cuộc thống kê còn cho biết Balotelli chính là cầu thủ bị công kích nhiều nhất trên mạng xã hội kể từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 3 năm nay tại giải Ngoại hạng. Xếp sau “Ngựa chứng” chính là Danny Welbeck (1.700 tin nhắn), Daniel Sturridge (1.600 tin nhắn), điều trùng hợp là cả 3 cầu thủ này đều là người da đen. Cụ thể hơn nữa, 50% tin nhắn miệt thị Welbeck là về chủng tộc của anh, còn 60% tin nhắn miệt thị Sturridge là về... thiên hướng tình dục.
Sturridge và Welbeck cũng là nạn nhân của những lời nói ác ý.
Mặt khác, cuộc thống kê của Kick It Out còn cho thấy giải Ngoại hạng đã nhận tổng cộng 134.400 tin nhắn công kích trên mạng xã hội, trung bình 16.800 tin nhắn 1 tháng và 1 tin nhắn mỗi 3 phút. Trong số đó, các CLB tại Premier League nhận 95.000 tin nhắn còn Chelsea chính là CLB bị “gạch đá” nhiều nhất với hơn 20.000 tin nhắn sỉ vả. Xếp sau Chelsea chính là Liverpool, The Kop cũng không thua kém đối thủ thành London là bao với khoảng 19.000 tin nhắn miệt thị.
“Ngũ đại gia” của giải Ngoại hạng là những CLB bị “đáp gạch” nhiều nhất.
Cũng theo cuộc thống kê của Kick It Out, 88% trong số 134.400 tin nhắn công kích giải Ngoại hạng được viết trên Twitter, 8% trên Facebook và 4% còn lại trong các diễn đàn và blog cá nhân. Ở một khía cạnh khác, trận đấu thu hút nhiều “gạch đá” nhất chính là trận Chelsea – Liverpool tại Cúp Liên đoàn hồi đầu năm nay. 5 vị trí còn lại thuộc về trận Sunderland – Man United (Premier League), Arsenal – Man City (Community Shield), Man United – Arsenal (Cúp FA), Liverpool – Man United (Premier League), Chelsea – Arsenal (Premier League).
6 trận đấu thu hút nhiều lời chửi rủa nhất của các CĐV.
Sau cuộc thống kê này, tổ chức Kick It Out cho biết họ cảm thấy rất lo ngại trước sự “hổ báo” của CĐV trên mạng xã hội. “Những người này đang nói những lời mà họ chẳng dám nói thẳng trước mặt người khác”, Piara Powar, giám đốc của FARE (tổ chức chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá châu Âu) chia sẻ. Được biết, sắp tới Kick It Out sẽ thành lập một đội ngũ chuyên gia để ngăn chặn các trò miệt thị trên Internet. Họ sẽ làm việc cùng với các tổ chức bóng đá, các nhà quản lý mạng xã hội và cảnh sát.
Nguồn: SI, BBC.